Bùng phát nạn kẹt xe

Thay vì kẹt xe vào giờ cao điểm ở các tuyến đường cửa ngõ và một số tuyến nội đô như trước đây, tình trạng kẹt xe tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày qua không còn tuân theo quy luật như trước.

 Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại đến đời sống, kinh tế của người dân mà còn cho thấy, giải pháp chống kẹt xe của thành phố đang không theo kịp với thực tế.

“Bệnh kẹt xe”…trở nặng

Tình trạng kẹt xe bùng phát, không theo quy luật đang khiến người dân Thành phố Hồ Chí Minh hết sức mệt mỏi. Không chỉ kẹt xe ở các cửa ngõ thành phố vào giờ cao điểm, tình trạng ùn ứ diễn ra thường xuyên ở các trục đường dẫn vào trung tâm thành phố, sân bay Tân Sơn Nhất và các bến xe. Nhiều tuyến đường khu trung tâm cũng kẹt cứng ở những thời điểm không phải giờ tan tầm.

Tình trạng kẹt xe nghiêm trọng nhất là các tuyến đường như Hoàng Văn Thụ, đoạn vòng xoay Lăng Cha - Nguyễn Văn Trỗi. Hầu hết các thời điểm trong ngày, khu vực này đều có hàng nghìn phương tiện chen nhau chật cứng nhích từng chút kéo dài từ cầu vượt thép hướng về đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Càng dần về giờ cao điểm, lượng phương tiện lưu thông trên đường càng tăng, khiến giao thông khu vực này thường xuyên ùn ứ, kẹt cứng vào giờ cao điểm. Tình trạng ùn ứ còn lan qua các tuyến đường lân cận như đường Trần Quốc Hoàn hướng Trường Sơn - Lăng Cha Cả, đường Cộng Hòa, hướng cầu vượt thép Hoàng Hoa Thám - Trường Chinh, quận Tân Bình…

Tình trạng kẹt xe ở Thành phố Hồ Chí Minh đang bùng phát, không theo quy luật.

Nhiều người dân khu vực này cho biết, do lượng xe máy và ô tô từ trung tâm thành phố đổ về đường Trường Chinh hướng quận 12 và huyện Hóc Môn tăng cao, nên tại các giao lộ Cộng Hòa - Ấp Bắc, Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý thường xuyên xảy ra ùn ứ, kẹt xe. Để vượt qua được đoạn đường này vào giờ cao điểm, nhiều xe ô tô phải mất hàng giờ mới qua khỏi đoạn đường chỉ tầm 2 km. Ngay những tuyến đường khu trung tâm như Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Hai Bà Trưng, Nguyễn Kiệm… trong những ngày gần đây cũng thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Đặc biệt tại các giao lộ Phan Đình Phùng, Huỳnh Văn Bánh, Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận) trong giờ tan tầm, xe cộ gần như đứng yên tại chỗ, cho dù lực lượng CSGT phải hết sức vất vả để điều phối giao thông tại khu vực này.

Bên cạnh 24 điểm kẹt xe từ năm 2015 đến nay mà Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang loay hoay giải quyết chưa xong thì hiện nay, thành phố đã phát sinh thêm nhiều điểm kẹt xe mới. Nguyên nhân gia tăng kẹt xe, theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh là do số lượng phương tiện tham gia giao thông tại thành phố tăng quá nhanh, khiến hạ tầng không đáp ứng đủ. Hệ thống điều hành, cảnh báo giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh chưa đồng bộ cũng khiến tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng hơn. Lý giải thêm về việc này, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố cho biết, hiện nay, mật độ giao thông trên địa bàn thành phố hiện rất cao, dân số thực tế của thành phố hiện trên 10 triệu dân, nhưng hệ thống đường giao thông ít mở rộng không theo kịp tốc độ gia tăng dân số. Mật độ đường giao thông của thành phố hiện chỉ đạt 1,9 km/1 km2 và đất công trình giao thông chỉ đạt 8,2% so với đất đô thị, trong khi muốn giải quyết giao thông tốt phải cần từ 18 -24% đất giao thông.

“Thuốc” chưa hiệu quả

Trước tình trạng kẹt xe đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang áp dụng nhiều giải pháp để hạn chế kẹt xe. Trong 26 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, Thành phố Hồ Chí Minh đã có các giải pháp xử lý thực tế tại 14 điểm, xây dựng phương án điều chỉnh giao thông ở 6 điểm và đang nghiên cứu các giải pháp xử lý 6 điểm. Tại các điểm nóng như đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, sở đang nghiên cứu các giải pháp như lắp đặt camera giám sát giao thông và kết nối về Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn để điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông. Khu vực quận Tân Bình như các giao lộ Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyệt… ngành giao thông cũng đã có phương án mở rộng giao lộ, điều chỉnh tuyến, trạm dừng đón trả khách xe buýt để hạn chế ùn tắc. Ngoài ra, ở khu vực quận 2 như giao lộ Mỹ Thủy, khu vực cảng Phú Hữu, cảng Cát Lái… Thành phố cũng đang khởi công xây dựng nút giao thông, xây dựng hệ thống đường kết nối, mở rộng đường vành đai phía đông…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, những giải pháp của thành phố chủ yếu vẫn là những giải pháp tình thế, những giải pháp dài hơi thì tiến độ chậm nên vẫn chưa thể giải quyết được căn cơ nạn kẹt xe. TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng, không có gì bất ngờ đối với tình trạng kẹt xe ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, vì hỏi bất cứ người dân nào, họ cũng có thể biết nguyên nhân kẹt xe là do nhu cầu người sử dụng phương tiện xe cộ lớn nhưng đường không đảm bảo diện tích. Tuy nhiên, với hệ thống hạ tầng đang có, thành phố vẫn có thể có những giải pháp tốt hơn để giảm thiểu kẹt xe. Vì rằng, nhiều tuyến đường có diện tích rộng chưa đến mức kẹt xe nhưng vẫn kẹt là do tổ chức giao thông chưa hợp lý. Ngoài bài toán mở rộng hạ tầng, phát triển giao thông công cộng, các ngành chức năng phải chú ý về tổ chức giao thông, phân luồng, phân làn, điều chỉnh các biển báo, đèn tín hiệu cho hợp lý. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng phải nghiên cứu kĩ lưỡng thực tế về diện tích đường, về số liệu xe cộ lưu thông, chủng loại xe, mật độ lưu thông ở các thời điểm… từ đó mới đề ra giải pháp, chứ không thể thực hiện một cách cảm tính, thiếu cơ sở khoa học.

Để giải quyết được căn bản tình trạng kẹt xe hiện nay, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, thành phố cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp dài hạn bao gồm phát triển hệ thống đường vành đai, đẩy mạnh hệ thống giao thông công cộng và hạn chế xe xuyên tâm bằng chính sách thu phí. Hiện nay, thành phố vẫn đang triển khai nhóm giải pháp một và giải pháp hai nhưng tiến độ triển khai quá chậm. Việc thiếu đường vành đai khiến các phương tiện muốn di chuyển thường phải xuyên qua nội thành tạo ra áp lực, dẫn đến kẹt xe. Riêng nhóm giải pháp thứ 3, thành phố nên quyết tâm hạn chế xe cá nhân vào khu vực trung tâm bằng cách thu phí ô tô vào giờ cao điểm.

Ngoài ra, TS. Phạm Sanh còn cho rằng, thành phố cần có một cơ quan “cầm chịch” trong việc quản lý, phát triển giao thông bền vững để tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự đồng bộ giữa các ngành trong hệ thống các cơ quan quản lý đô thị. Cơ quan này, với sự tư vấn của giới chuyên môn trong hoặc ngoài nước, phải đề ra được, phải kiểm soát được chiến lược phát triển giao thông và có thẩm quyền nhất định trong việc rót nguồn vốn đầu tư vào những nơi cần kíp. Thậm chí, cơ quan này sẽ có tiếng nói có trọng lượng trong việc chấp thuận cho phép mở nhà hàng này, thương xá nọ ở các địa điểm được đề nghị hay không… là cơ quan tổ chức, tham gia chủ trì trong việc đề ra các quy hoạch phát triển đô thị… Trên cơ sở thành phố phải có một chính quyền đô thị với các cơ chế đặc thù cho thành phố.
L. Hiền
Giải quyết vấn nạn kẹt xe
Giải quyết vấn nạn kẹt xe

Giải quyết tình trạng kẹt xe (và chống ngập) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP Hồ Chí Minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN