Sống trong lo sợ và nguy hiểm
Chúng tôi đến gia đình ông Lê Phúc Thủy sống tại số nhà 123 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) khi trời đã xế chiều. Sau ánh hoàng hôn sắp tắt là ngôi nhà cấp 4 cũ nát và hoang vắng. Trái ngược với không khí ồn ào, náo nhiệt ngoài đường là hàng nước đìu hiu của bà Đặng Xuân Lập (vợ ông Thủy).
Hỏi bà Lập mới biết, mấy hôm nay trở gió, căn bệnh ung thư phổi của ông Thủy lại tái phát, cộng thêm với những trăn trở giữ đất, sửa lại nhà để sinh sống an toàn đã khiến bệnh ông Thủy nặng thêm, ông phải nghỉ công việc rửa xe. Kinh tế gia đình hiện nay đều trông chờ vào cửa hàng nước của bà Lập.
Cực chẳng đã, cô con gái Lê Thuý Nga, sinh viên trường Học viện Quản lý giáo dục đã viết tâm thư gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phản ánh về việc gia đình em đang sống trong ngôi nhà sập sệ, dột nát, bố mẹ đều mắc bệnh hiểm nghèo. Gia đình đã nhiều lần xin phép sửa nhà, nhưng UBND quận Long Biên gây khó dễ, không cấp phép xây dựng.
Trong bức tâm thư em Lê Thuý Nga ghi rõ: "Hiện gia đình cháu sống trong ngôi nhà cấp 4 dựng từ năm 1992 đã sập sệ, tường nứt lớn, những thanh gỗ đã mục nát, khiến nó có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Những hôm mưa gió cháu vô cùng sợ hãi. Nhìn bố mẹ cháu ốm yếu, vừa rời viện đã loay hoay chạy đôn chạy đáo đến phường, quận mà lòng cháu đau như cắt. Mỗi lần bố cháu đi về là một lần buồn phiền, u ám hơn...".
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguồn gốc đất của gia đình ông Thủy đang ở là đất do hợp tác xã Ái Mộ A giao cho ông được quyền sử dụng từ ngày 23/4/1990, có đại diện UBND thị trấn Gia Lâm xác nhận. Ngoài 23 m2 được giao, gia đình ông còn san lấp ao hồ liền kề được khoảng 70m2 để làm nhà ở.
Căn cứ biên bản kiểm tra hồi 10 giờ ngày 4/1/1993 của cơ quan Công an thì gia đình ông Thủy đã làm nhà cấp 4, tường xây, mái lợp ngói để gia đình sinh sống ở đây. Quá trình sinh sống, gia đình ông đã được làm sổ hộ khẩu, thường trú từ ngày 9/5/1996. Những năm ấy chỉ người nào có nhà ở hợp pháp mới được cấp sổ hộ khẩu thường trú.
Tuy nhiên, ngày 16/4/2009 UBND quận Long Biên ra Quyết định số 939 xử phạt ông Thủy vi phạm hành chính và buộc ông phải giao đất đang ở để phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất để người khác xây dựng nhà ở.
Đến ngày 18/11/2009 quận Long Biên lại ban hành Quyết định số 4433/QĐ-UBND thu hồi 90m2 đất của gia đình ông Thủy “để tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất”, nhằm lấy đất trả cho cuộc bán đấu giá 3 năm trước. Sau đó, quận Long Biên lại ra Quyết định phê duyệt phương án bồi thường số 5298/QĐ-UBND ngày 22/12/2009 và Quyết định cưỡng chế số 02/QĐ-UBND ngày 20/1/2010.
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định của các Điều 39, 40 Luật đất đai thì Nhà nước chỉ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Vậy, UBND quận Long Biên thu hồi đất của gia đình ông Thủy đang ở để phục vụ cho việc bán đấu giá quyền sử dụng đất cho người khác làm nhà ở - đó là việc làm trái pháp luật.
Đồng quan điểm với Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, ngày 21/6/2013 Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy các Quyết định số 4433, 5298 và số 02 trên bằng Bản án số 114/2013/PTHC ngày 21/6/2013. Bản án nhận định gia đình ông Thủy sinh sống liên tục, ổn định tại 123 Nguyễn Văn Cừ từ trước 15/10/1993 đến nay, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo qui định của pháp luật.
Quận tắc trách, quyết định thi hành án vẫn bị "treo"
Cũng theo Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, căn cứ vào 20 tờ biên lai thu thuế nhà đất, ông Thủy gửi kèm theo đơn cho thấy từ năm 1993 đến năm 2008 năm nào gia đình ông cũng nộp thuế nhà đất với diện tích 79,5m2. Như vậy, đất của gia đình ông Lê Phúc Thủy đã có từ trước khi Nhà nước ban hành Luật đất đai ngày 14/7/1993 và ông đã làm nhà ở từ đó đến nay không có sự tranh chấp.
Ông Thủy phải được công nhận là người có quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất một cách hợp pháp. Không hiểu vì lý do gì, tại trang 2 tờ trình số 1213 ngày 31/3/2008 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Điểm 2.2 của tờ trình này nói rằng gia đình ông Lê Phúc Thủy sử dụng đất có nguồn gốc không hợp pháp, thời điểm tự xây nhà ở vào năm 2000. Đây là xuyên tạc sự thật để cố tình cưỡng chế dỡ bỏ nhà, thu hồi đất của ông Lê Phúc Thủy.
Trao đổi với phóng viên về những bất cập nêu trên, ông Trịnh Quốc Huy, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường quận Long Biên cũng thừa nhận: có sai sót trong Quyết định số 4433/QĐ-UBND của quận Long Biên về trình tự thu hồi đất.
Ông Trịnh Quốc Huy cho biết: đến thời điểm này, Quyết định số 4433/QĐ-UBND thu hồi 90m2 đất của gia đình ông Thủy “để tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất", Quyết định phê duyệt phương án bồi thường số 5298/QĐ-UBND ngày 22/12/2009 và Quyết định cưỡng chế số 02/QĐ-UBND ngày 20/1/2010 của quận vẫn chưa bị hủy theo Bản án số 114/2013/PTHC của Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội.
Những tưởng pháp luật là thượng tôn, quyết định thi hành án phải được thi hành ngay khi có hiệu lực và gia đình ông Thủy được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng qui định của pháp luật để có điều kiện xây lại nhà mới ổn định đời sống. Nhưng đã gần 3 năm trôi qua, Quyết định thi hành án vẫn bị "treo"... kéo theo cuộc sống gia đình ông Thủy lâm vào cảnh lo sợ, mất đất, mất nhà, không an toàn mỗi khi mùa mưa bão đến.
Ông Lê Phúc Thủy chia sẻ: Gia đình tôi khó khăn ai cũng biết, cả hai vợ chồng bị bệnh hiểm nghèo, từ trước đến nay cứ thấy chỗ nào trống thì cả nhà trải chiếu để nằm. Nếu không có tường nhà hàng xóm thì tường nhà tôi đã đổ sập từ lâu. Gia đình rất mong muốn quận Long Biên sớm thi hành án, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chúng tôi để có điều kiện sửa chữa nhà, tránh nguy hiểm đến tính mạng nếu tường bị sập.
Dư luận đang chờ vào sự chỉ đạo nghiêm minh từ lãnh đạo thành phố Hà Nội đối với sự việc này và hơn cả là sự khẩn trương vào cuộc của chính quyền, các ban, ngành liên quan sớm có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ gia đình ông Lê Phúc Thủy an cư, ổn định cuộc sống.