Trong đó, sụt lún đường bê tông có chiều dài hơn 11,6 km và đường đất đen có chiều dài gần 4 km. Ước tính thiệt hại do sạt lở, sụt lún trị giá gần 21,6 tỷ đồng. Huyện Trần Văn Thời là địa phương bị thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, hiện tượng khô hạn kéo dài khiến lượng nước trên các kênh khô cạn không còn phản áp, gây ra hiện tượng sạt lở đất các tuyến đường giao thông nông thôn, trong vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời, dẫn đến ảnh hưởng rất lớn giao thông thủy và bộ.
Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, cơ quan chức năng tỉnh thông báo giảm tải trọng xe lưu thông trên tuyến đê biển Tây từ 8 tấn xuống 5 tấn. UBND huyện Trần Văn Thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức cắm biển cảnh báo và thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh sạt lở, sụt lún ở những khu vực nguy hiểm.
Dự báo thời gian tới tình trạng sụt lún đất vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ở vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau, sẽ gây nhiều ảnh hưởng, thiệt hại đối với các công trình giao thông, thủy lợi. Do đó, công tác khắc phục sụt lún, sạt lở được địa phương xem là nhiệm vụ cấp bách, có giải pháp xử lý trước mùa mưa bão năm nay. Đối với những vị trí sạt lở bình thường, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo gia cố bằng vật liệu địa phương như: cừ dừa, cừ tràm, cây gỗ địa phương. Còn những vị trí sụt lún, sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm cần sớm khắc phục bằng giải pháp xây dựng công trình cơ bản.
Tỉnh Cà Mau kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan và các nhà khoa học đầu ngành có nhiều kinh nghiệm kịp thời hỗ trợ địa phương về kinh phí và giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng sụt lún, sạt lở đất nhằm bảo vệ hệ thống công trình giao thông, thủy lợi phuc vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản; có giải pháp quy hoạch lại hệ thống giao thông, thủy lợi, bố trí lại sản xuất và dân cư theo hướng đồng bộ, hiệu quả....