Tập trung kêu gọi tàu, thuyền vào bờ tránh trú bão
Ngay từ sáng 17/7, Tiểu ban an toàn nghề cá tỉnh Hà Tĩnh cùng với các đơn vị chức năng đã tập trung kêu gọi tàu, thuyền vào bờ tránh trú bão và áp thấp nhiệt đới gần bờ. Theo ghi nhận tại âu thuyền Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà đã có gần 400 chiếc tàu, thuyền trong và ngoài tỉnh đã vào neo đậu an toàn, ngư dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm phục vụ hàng tuần trên thuyền để tránh trú bão.
Hiện rất nhiều tàu, thuyền với hàng trăm lao động tỉnh Hà Tĩnh đã về nơi tránh trú bão an toàn. Các tàu, thuyền đánh bắt xa bờ đã được kêu gọi tránh trú bão ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và khu vực an toàn. Hàng trăm thuyền đánh cá gần bờ ở vùng biển Hà Tĩnh được các cấp chính quyền và người dân đưa lên bờ che chắn an toàn, hoặc đưa vào chỗ neo đậu ở các âu thuyền Cửa Sót, xã Thạch Kim huyện Lộc Hà, xã Cẩm Nhượng huyện Cẩm Xuyên và âu thuyền xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh.
Cùng với việc kêu gọi tàu, thuyền vào neo đậu trú ẩn an toàn tại các âu thuyền, các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương huy động phương tiện, dụng cụ, kêu gọi các đoàn thể giúp nhân dân khơi thông cống, rãnh, dòng chảy nhằm tiêu úng ở vùng thấp trũng và các vùng nuôi trồng thủy sản, đảm bảo tiêu thoát nước, phòng, chống ngập úng cho lúa hè thu và hoa màu trên địa bàn.
Phương châm "bốn tại chỗ"
Tại Thái Bình, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh liên tục yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các Công điện của tỉnh, để chủ động ứng phó với bão số 3.
Các địa phương khẩn trương kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền, các phương tiện hoạt động trên biển; thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động tránh trú an toàn, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; giữ liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống lụt, bão, kể cả phương án phòng, chống siêu bão, theo phương châm "bốn tại chỗ", khắc phục tư tưởng chủ quan, chông chờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Các địa phương và ngành chức năng tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, cống; chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây, chằng chống cây cối, nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện và các lồng, bè, chòi nuôi trồng thủy hải sản ven sông, ven biển; tập trung chuẩn bị phương tiện, nhân lực, vật tư tại các điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai các biện pháp xử lý bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ven đê chủ động di dời người, tài sản và vật nuôi, thu hoạch cây trồng có thể thu hoạch được hoặc có biện pháp bảo vệ phù hợp ở các bãi thấp ven sông, cửa sông; canh gác đê theo cấp báo động khi có lệnh...
Các Công ty trách nhiệm hữu hạn Khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, tranh thủ mở các cống tiêu nước, đặc biệt là cống Trà Linh và cống Lân để hạ mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống, kịp thời tiêu nước đệm, phòng chống úng ngập do mưa lớn và hoàn lưu sau áp thấp nhiệt đới, bão; phối hợp với UBND huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo tập trung lực lượng khơi thông dòng chảy trên hệ thống kênh mương nội đồng, các sông trục và bằng mọi biện pháp tiêu nước triệt để trên mặt ruộng và các trục sông để tiêu úng khi có mưa lớn, gây úng lúa, hoa màu và các khu vực trũng, thấp.
Các sở, ngành, địa phương, đơn vị tạm dừng các cuộc họp và các hoạt động chưa thật cần thiết, tổ chức phân công lực lượng thường trực tại các cơ quan, đơn vị trập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện, thành phố, xã phường, thị trấn, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị của tỉnh và cán bộ kỹ thuật làm công tác phòng chống thiên tai, lụt bão năm 2018 thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện phòng chống bão; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu...
Sở Thông tin và Truyền thông, Ðài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình tăng cường phát tin và chỉ đạo hệ thống truyền thanh, truyền hình các huyện thành phố, hệ thống truyền thanh các xã, phường, trị trấn thường xuyên cập nhật, phát tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và sự chỉ đạo phòng, chống bão của các các ngành để nhân dân biết, chủ động phòng tránh, không để xảy ra tư tưởng chủ quan, coi nhẹ công tác phòng, chống lụt, bão.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình, sáng 17/7, sau khi đi vào phía Bắc Biển Đông áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 3 , có tên quốc tế là Sơn Tinh. Đài Khí tượng Thủy văn Thái Bình nhận định, do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, từ trưa ngày 18 đến sáng 19/7, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa to đến rất to. Từ gần sáng 18/7, vùng biển ngoài khơi Thái Thuỵ-Tiền Hải có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4-6m; biển động mạnh. Bão số 3 hiện di chuyển rất nhanh.