Cùng vào cuộc chống bão
Tại Quảng Ninh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh đề nghị: Chi cục Thủy sản, UBND các địa phương ven biển nắm lại số tàu, thuyền, đặc biệt là tàu xa bờ và thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm; giữ liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; cập nhật thường xuyên, báo cáo tình hình tàu, thuyền về nơi tránh trú cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
UBND các địa phương trong tỉnh tổ chức thông tin cho nhân dân biết về diễn biến bão; rà soát cụ thể từng địa bàn dân cư để sẵn sàng phương án di chuyển dân về nơi an toàn khi cần; chỉ đạo gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nắm lại số người đang có mặt trên các vùng nuôi trồng thủy sản để sẵn sàng sơ tán khi tình huống xấu xảy ra; thông báo cho các khu vui chơi, các công trình đang xây dựng trên địa bàn biết thông tin bão để có các giải pháp ứng phó thích hợp.
Các địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa theo dõi kỹ mực nước hồ, chủ động phương án bảo đảm an toàn hồ chứa trong trường hợp có mưa lớn kéo dài.
Các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; thực hiện việc tổng hợp và báo cáo kịp thời, thường xuyên kết quả triển khai và biện pháp ứng phó về Văn phòng Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh...
Tại Hà Nam, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam đã có Công điện gửi các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4. Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố; các ngành chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, bão; thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực, trực ban, tuần tra canh gác; rà soát các phương án phòng, chống lũ bảo đảm an toàn cho hệ thống đề điều và các khu dân cư ngoài bối, bãi sông, các khu vực nuôi trồng thủy sản trên sông.
Các Công ty Khai thác công trình thủy lợi chủ động tiêu úng hiệu quả cho lúa, hoa màu khi xảy ra mưa lớn, đồng thời xây dựng kế hoạch bơm tiêu úng cụ thể cho các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu công nghiệp, vùng trũng, vùng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu trong trường hợp mưa lớn kéo dài. Công ty Điện lực tỉnh bảo đảm nguồn điện phục vụ cho bơm tiêu úng và thông tin liên lạc. Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nam bố trí thời lượng đưa tin về bão số 4 để nhân dân trong tỉnh biết, chủ động ứng phó.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Nam, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 nên từ chiều 29/8, tỉnh Hà Nam có mưa vừa, mưa to và giông, trong mưa giông khả năng có lốc sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 80 đến 150 mm.
Đảm bảo an toàn cho người dân
Trước diễn biến bất thường của bão số 4, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã huy động hơn 4.000 đoàn viên, thanh niên ra quân giúp đỡ nhân dân ứng phó với bão.
Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh Lê Thành Đông cho biết: Toàn tỉnh đã thành lập 262 đội hình tình nguyện với sự tham gia của gần 4.000 đoàn viên, thanh niên ra quân giúp đỡ 105 hộ dân thu hoạch lúa vụ mùa Hè Thu; hỗ trợ hơn 0 hộ dân, cơ sở y tế, đơn vị trường học chằng chống nhà cửa, gia cố mái nhà, bảo vệ cây trồng vật nuôi, hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn...
Tại xã ven biển Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), lực lượng đoàn viên, thanh niên đã hỗ trợ sơ tán các cụ cao tuổi, trẻ nhỏ về nơi tránh trú an toàn, tổ chức nấu cơm tối phục vụ nhân dân đến tránh trú bão.
Ngoài ra, lực lượng thanh niên tình nguyện cùng với các lực lượng vũ trang cũng đã hỗ trợ nhân dân đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, ra quân chặt phát cây, ứng trực tại các bến đò ngang, vùng trũng thấp và cắm biển cảnh báo an toàn.
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh, đến chiều 28/8, toàn tỉnh Hà Tĩnh mới thu hoạch được 23.690/43.522 ha lúa Hè Thu, đạt 54,4% diện tích. Hiện nay, toàn tỉnh cũng đang có 1.200 ha bưởi bắt đầu bước vào thu hoạch, các địa phương chỉ mới thu hoạch được 30%.
Cùng với Hà Tĩnh, Nghệ An cũng đang tích cực thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân, nhất là trẻ em đang độ tuổi đến trường. Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có thông báo khẩn yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc cần theo dõi thường xuyên tình hình diễn biến của cơn bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp phòng chống và ứng phó kịp thời.
Song song đó, các đơn vị trực thuộc Sở cần bố trí lực lượng trực tại đơn vị 24/24 giờ; phối hợp chặt chẽ với Ban phòng, chống lụt bão tại địa phương để có giải pháp ứng cứu khi có các tình huống xấu do mưa bão gây ra. Riêng các huyện miền núi, các huyện có sông lớn chảy qua, cần đề phòng lũ ống, lũ quét và nước sông dâng lên bất ngờ. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên khi mưa bão, hiệu trưởng các trường, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để quyết định và thông báo cho học sinh nghỉ học.
Tại thành phố Vinh, địa phương dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4, công tác phòng chống bão đang được các trường triển khai khẩn trương. Bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cho biết: Phòng đã tổ chức họp khẩn, thông báo tất cả các trường học trên địa bàn thành phố cho học sinh nghỉ học vào ngày mai (30/8) để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu cũng thông báo ngày 30/8, tất cả các trường tiểu học, mầm non và trung học cơ sở ở vùng biển sẽ cho học sinh nghỉ học. Một số huyện khác như Diễn Châu, Nam Đàn cũng đã yêu cầu các trường thông tin đến học sinh để thông báo việc nghỉ học khi bão về.
Chiều 29/8, Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc 4, Trường Trung học phổ thông Cửa Lò, Trung học phổ thông Nguyễn Duy Trinh cũng đã thông báo để học sinh nghỉ học và lên kế hoạch học bù.