Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Tính đến trưa 19/3, Thành phố Hồ Chí Minh xác định 13 trường hợp mắc COVID-19, 177 trường hợp nghi mắc (tính đến ngày 18/3), trong đó có 173 trường hợp đã có kết quả âm tính, 4 trường hợp đang đợi kết quả. Tổng số cách ly tập trung là 2.997 trường hợp, trong đó 2.500 trường hợp cách ly tại các khu cách ly tập trung của thành phố, 497 trường hợp cách ly tại cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và 615 trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Thông tin về một số trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, ông Nguyễn Tấn Bỉnh đánh giá ca nghi ngờ trở về từ Malaysia rất đáng báo động do liên quan đến các thành viên dự lễ hội ở Malaysia, hiện ngành y tế đang phối hợp với công an các địa phương để truy tìm những người dự lễ hội này. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác điều tra dịch tễ những người dự thánh lễ ở Kuala Lumpur – Malaysia đã được triển khai. Theo đó, Sở Ngoại vụ thành phố đã nhận thông tin từ Bộ ngoại giao danh sách 49 người ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện thành phố đã thực hiện cách ly được 22 trường hợp, trong đó xét nghiệm cho thấy 16 trường hợp âm tính. Thành phố đang tìm kiếm 22 trường hợp khác và gửi danh sách 3 trường hợp đã di chuyển về tỉnh An Giang.
Giám đốc Sở Y tế thành phố cũng nhận định, hai tuần tới sẽ là thời điểm thành phố cần tập trung cao độ trong công tác phòng chống dịch. Cụ thể, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố phải phối hợp với các quận, huyện tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, kiểm soát các cửa khẩu, cách ly những trường hợp từ nước ngoài trở về có nguy cơ. Hiện tại, mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất đón từ 1.000 - 1.500 người Việt từ nước ngoài về. Song song đó, hệ thống y tế quận, huyện phải tích cực rà soát, phát hiện, xác định người tiếp xúc với các ca dương tính nhằm kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cảnh báo, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới đang rất phức tạp, nhiều quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp, hệ thống y tế ở nhiều quốc gia rơi vào quá tải. Chính vì vậy, thành phố phải chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất để ứng phó với mọi tình huống. UBND thành phố yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch rà soát lại khả năng tiếp nhận của các khu cách ly tập trung đang hoạt động, đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế cho các khu cách ly chuẩn bị đưa vào hoạt động, đảm bảo có thể vận hành ngay khi cần.
Ngành y tế thành phố huy động các nguồn nhân lực hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Ước tính, trong vài tuần tới, thành phố Hồ Chí Minh có thể đón thêm 17.000 người Việt từ nước ngoài về. Do đó, thành phố cần chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó, nếu không sẽ lúng túng khi triển khai phương án phòng chống dịch.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Công Thương và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Saigon Co.op chuẩn bị các nhu yếu phẩm cung ứng cho các khu cách ly tập trung; phối hợp với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và các doanh nghiệp thực phẩm chuẩn bị hàng hóa, thực phẩm cung ứng cho người dân trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Giao Sở Giao thông Vận tải điều động các doanh nghiệp vận tải cung ứng phương tiện và nhân lực vận chuyển hành khách từ sân bay đến các khu cách ly tập trung, Sở Y tế phải đảm bảo trang bị bảo hộ cho đội ngũ tài xế tham gia vận chuyển người về khu cách ly.
"Kinh nghiệm rút ra từ Trung Quốc cho thấy 70% trường hợp lây nhiễm là giữa các thành viên trong gia đình, do đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các gia đình chủ động phòng chống dịch khi có nguy cơ. Các quận, huyện, phường, xã phải đặc biệt lưu ý và có phương án phòng chống dịch tại các khu vực chung cư cao tầng, các khách sạn, cơ sở lưu trú. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại cơ sở", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
* Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Giang: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Hà Giang “Không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch”, coi công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng yếu.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, lực lượng chức năng của tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục làm tốt công tác kiểm soát ngoại biên; nâng cao công tác phòng chống nội biên; hạn chế tụ tập đông người, hội họp; ngừng tổ chức các hoạt động du lịch, lễ hội. Tỉnh lập chốt tại các địa bàn giáp ranh tỉnh bạn để kiểm tra thân nhiệt tất cả những người từ ngoại tỉnh vào Hà Giang gồm các huyện: Quang Bình, Xín Mần, Bắc Mê, Mèo Vạc và Bắc Quang. Trong đó, chốt Cầu Chì - Quốc lộ 2 (thuộc huyện Bắc Quang, giáp ranh với huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) là chốt quan trọng số 1, UBND tỉnh Hà Giang giao các ngành: Công an, Y tế, Ngoại vụ, Thú y, Quân sự, Thanh tra giao thông duy trì trực 24/24h.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, homestay bắt buộc phải thực hiện khai báo y tế, đặc biệt đối với du khách nước ngoài. Cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang cần gương mẫu thực hiện việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người; chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kỷ luật, kỷ cương hành chính, chế độ công tác.
UBND tỉnh Hà Giang quyết định cấp kinh phí bổ sung, đầu thư thêm trang thiết bị cho 48 chốt kiểm tra y tế trên địa bàn toàn tỉnh để phòng, chống dịch; hỗ trợ tiền ăn đối với người được áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19 với mức 60.000 đồng/người/ngày; thời gian hỗ trợ không quá 14 ngày/người. Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình tăng giá các mặt hàng.
Đại tá Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cho biết: Công an tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ các biện pháp, phương án, kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sỹ thực thi công vụ. Công an tỉnh chủ động phối hợp với lực lượng Biên phòng, Hải quan, Y tế tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không qua lại đường mòn, lối mở biên giới nhằm phòng ngừa dịch COVID-19; kiểm tra, sàng lọc, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để cách ly theo dõi. Cơ quan chức năng làm tốt công tác quản lý người nước ngoài, quản lý xuất nhập cảnh, trong đó tập trung rà soát, nắm tình hình công dân nước ngoài nhập cảnh đến từ các quốc gia có dịch, người lao động tại địa phương lao động, học tập, cư trú ở các nước về Hà Giang để triển khai phương án cách ly. Đối với các khu vực cách ly trên địa bàn, Công an triển khai lực lượng thường trực 24/24 giờ để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối các khu vực cách ly, tránh việc người bị cách ly bỏ trốn.
Ông Trần Quang Minh, Bí thư Huyện ủy huyện Mèo Vạc cho biết: Hiện nay, khu vực cách ly tại Trạm kiểm soát liên ngành Săm Pun thuộc Đồn Biên phòng Xín Cái xã Thượng Phùng, công tác phòng chống dịch COVID-19 được huyện Mèo Vạc triển khai một cách chặt chẽ. Đối với công dân từ Trung Quốc trở về cũng như người nước ngoài vào địa bàn đều được áp dụng các biện pháp kiểm tra y tế, cách ly theo dõi sức khỏe theo đúng quy trình. Trên địa bàn huyện có 3 xã biên giới: Sơn Vĩ, Thượng Phùng, Xín Cái có đường biên giáp ranh với Trung Quốc, huyện đã thành lập các chốt kiểm dịch COVID-19. Với tinh thần “4 tại chỗ”, các lực lượng chức năng thường xuyên túc trực, tuần tra, kiểm soát nhằm siết chặt quản lý biên giới, quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Không chỉ thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, các tổ công tác còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền về dịch COVID-19 cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới nhằm nâng cao nhận thức cho bà con về phòng chống dịch COVID-19.
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Giang, tính đến ngày 19/3, Hà Giang đã thực hiện kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế 3.426 người, không phát hiện trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở. Tỉnh thực hiện cách ly, theo dõi 2 trường hợp đi qua vùng dịch. Có 70 người nghi mắc COVID-19, trong đó 64 ca đã lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho kết quả âm tính, 6 ca chưa có kết quả xét nghiệm. Tổng số người đã được cách ly, theo dõi là 1.760 người, trong đó 915 người đã được cho về và tiếp tục theo dõi tại nhà, 404 người đang được cách ly tập trung, 441 người cách ly, theo dõi tại nhà. Có 555/673 khách du lịch (trong đó 331 khách quốc tế, 342 khách nội địa) đã thực hiện khai báo y tế.
* Chiều 19/3, tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị trực tuyến với 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, nhằm tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19.
Đến ngày 19/3, trên địa bàn Hưng Yên chưa có trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.000 trường hợp đang được cách ly dưới nhiều hình thức; trong đó có 22 trường hợp cách ly tại các cơ sở y tế, hơn 350 trường hợp cách ly tại khu cách ly tập trung, gần 700 trường hợp cách ly tại nhà và nơi lưu trú. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy tổng số 99 mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, 91 mẫu đã có kết quả âm tính, 8 mẫu đang chờ kết quả.
Để ngăn chặn việc lây nhiễm dịch COVID-19, tỉnh Hưng Yên yêu cầu các cấp, các ngành phải quyết liệt trong công tác chỉ đạo, thực hiện theo đúng phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời, vận động người dân tích cực tham gia phòng chống dịch, nếu thuộc diện phải cách ly cần chấp hành theo hướng dẫn của ngành chức năng. Hiện tại, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với ngành y tế, công an tổ chức tốt việc cách ly các công dân tại cơ sở tập trung số 1 của tỉnh.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng yêu cầu các cấp, ngành không được chủ quan; kịp thời nắm bắt những trường hợp đi về từ vùng dịch để cách ly; lấy mẫu bệnh phẩm nhằm sớm xét nghiệm. Ngành y tế chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, hóa chất để phòng, chống dịch; phối hợp với các địa phương vận động những trường hợp trong diện cách ly tại gia đình đến các khu cách ly tập trung. Mặt khác, các địa phương tạm ngừng hoạt động các quán karaoke, rạp chiếu phim, quán game và những nơi tụ tập đông người.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng kêu gọi nếu không thật sự cần thiết, mọi người dân nên hạn chế ra khỏi nhà; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân không tổ chức cưới hỏi trong dịp này; gia đình có đám hiếu, đám giỗ cần tổ chức gọn nhẹ. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, căn cứ đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo và kiến nghị của các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhất trí cho học sinh các cấp học từ Mầm non đến Trung học Cơ sở nghỉ học tới hết ngày 5/4 để phòng chống dịch bệnh; khuyến cáo các gia đình tự quản con em tại nhà.
* Một trong những nhiệm vụ cấp bách trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình là chủ động theo dõi chặt chẽ thông báo của Bộ Y tế về các chuyến bay có hành khách mắc COVID-19 để có các biện pháp phân loại, quản lý, cách ly những trường hợp có liên quan. Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng, Trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch diễn ra ngày 19/3.
Theo báo cáo của ngành Y tế Thái Bình, tính đến nay, Thái Bình chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2. Toàn tỉnh có 82 trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 được giám sát, lấy mẫu, cách ly, trong đó có 75 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện có 14 trường hợp đang thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, trong đó có 10 người Thái Bình, 2 người Nghệ An đang lưu trú tại Thái Bình là hành khách trên 5 chuyến bay được Bộ Y tế thông báo có hành khách mắc COVID -19 (gồm SQ 176, SU 290, EK394, VN 415 và QH 1544) được theo dõi, cách ly. Hiện tất cả những trường hợp này có tình trạng sức khỏe ổn định và đang tiếp tục được cách ly, 2/12 trường hợp này có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tại các khu cách ly tập trung, có 37 người đang được cách ly tại Trường Quân sự tỉnh và 40 người cách ly tại các khu cách ly tuyến huyện. Dự kiến trong ngày 19/3, hai khu cách ly tập trung của tỉnh (gồm Trường Quân sự tỉnh và Trung đoàn 5) sẽ đón hơn 100 người từ các nước châu Âu trở về thực hiện cách ly.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, đồng thời nỗ lực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, từ đó nâng cao nhận thức phòng chống dịch của người dân, trách nhiệm của công dân với sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Các địa phương kịp thời phát hiện và tổ chức cách ly những trường hợp thuộc nhóm cách ly F1, F2 theo quy định; giám sát chặt chẽ di biến động dân cư và tổ chức ký cam kết với các gia đình có người thân ở nước ngoài để kịp thời thông báo với chính quyền địa phương khi có người thân từ các nước này trở về. Đặc biệt là những trường hợp trên các các chuyến bay được Bộ Y tế thông báo có hành khách mắc COVID-19 cần được giám sát chặt chẽ hơn. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình giao Sở Y tế chủ động xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện cách ly tại cơ quan, doanh nghiệp, chung cư, khu dân cư trong tình huống dịch bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp; đồng thời, thống nhất phương án đưa khách sạn vào điểm cách ly theo nhu cầu.