Trong ngày 11/3, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức họp khẩn; đồng thời, quyết định ban hành phương án phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến ngày 10/3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 252 thôn, 118 xã, 33 huyện của 13 tỉnh, thành trên cả nước, chủ yếu là các tỉnh, thành phía Bắc. Do thị trường tiêu thụ thịt lợn ở các tỉnh, thành phía Nam tương đối lớn, giá cao nên việc các thương lái giấu dịch, lén lút vận chuyển lợn vào phía Nam đi qua địa bàn tỉnh để tiêu thụ rất dễ gây ra dịch bệnh tại địa phương.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo chính quyền các địa phương sau cuộc họp phải khẩn trương vào cuộc quyết liệt, triển khai hành động một cách cụ thể trong việc phòng, chống và không để dịch tả lợn xảy ra; đồng thời chịu trách nhiệm nặng trước UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch tả lợn châu Phi.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, đến ngày 11/3, Ninh Thuận chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra dịch tả lợn khó tránh khỏi nếu như chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Hiện, toàn bộ hóa chất phun tiêu độc, khử trùng và các trang thiết bị bảo hộ đã được cấp phát về các địa phương theo đúng nhu cầu.
Ngay trong ngày 11/3, các địa phương trong tỉnh phải tiến hành phun hóa chất để tiêu độc, khử trùng tại các điểm chăn nuôi, các chốt và các trạm kiểm dịch; đồng thời, đội kiểm tra liên ngành cũng phải ra quân kiểm tra vận chuyển, lưu thông lợn qua địa bàn; kiểm tra, kiểm soát tất cả các điểm buôn bán, kinh doanh thịt lợn, đặc biệt là những nơi buôn bán thịt không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ngoài ra, Ninh Thuận cũng đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về dịch bệnh; thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên tuyến quốc lộ 27 ở huyện Ninh Sơn và tuyến quốc lộ 1A trên địa bàn huyện Thuận Nam; đồng thời, bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông tham gia trực tại Trạm kiểm dịch huyện Thuận Bắc 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong kiểm dịch vận chuyển động vật.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có phương án, định mức hỗ trợ phòng, chống dịch; hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị dịch tả, bị tai xanh và lở mồm long móng buộc phải tiêu hủy. Theo đó, tỉnh hỗ trợ ít nhất bằng 80% giá thị trường đối với lợn con và lợn thịt; hỗ trợ bằng 1,5 - 1,8 lần giá thị trường đối với lợn nái và lợn đực giống, để tránh tình trạng người chăn nuôi dấu dịch, cố ý vận chuyển lợn bị bệnh dịch đi bán…
Trong khi đó, do nằm giáp ranh với hai tỉnh có dịch là Hòa Bình và Điện Biên, tỉnh Sơn La cũng đang khẩn trương triển khai giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào địa bàn.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã thành lập 2 chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời tại bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi và bản Bãi Đu, xã Tân Lang, huyện Phù Yên. Cùng với đó, huyện Thuận Châu giáp danh với huyện Tuần Giáo (Điện Biên) – địa phương xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Rạng Đông, đã thành lập 2 chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời tại bản Nà Cẩu, xã Mường Bám và tại bản Pha Lao, xã Phổng Lái.
Ngoài ra, tại huyện Vân Hồ giáp danh với tỉnh Hòa Bình - địa phương đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi, đã thành lập chốt kiểm dịch. Các chốt kiểm dịch duy trì việc trực 24/24 giờ, với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn; lập biên bản xử lý theo pháp luật đối với các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không chấp hành quy định về kiểm dịch động vật, mang mầm bệnh hoặc không đảm bảo vệ sinh thú y; khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển, hướng dẫn, giám sát việc xử lý tiêu hủy khi phát hiện lợn mắc bệnh và các sản phẩm từ lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm khác…
Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sơn La khuyến cáo khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi cần phải thực hiện “5 không” là: Không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, không tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn bệnh, lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa mà chưa qua xử lý nhiệt để cho vật nuôi.
Trong khi đó, Quảng Ninh cũng vừa phát hiện thêm có ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Ngày 11/3, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) xác nhận, kết quả xét nghiệm virus dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Vân, thôn Bắc Mã 1, xã Bình Dương là dương tính với loại virus này. Ngay sau khi có kết quả, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 53 con lợn của gia đình bà Vân (trọng lượng 12-15kg/con). Đây là ổ dịch thứ 2 của thị xã Đông Triều tính từ ngày 9/3 trở lại đây.
Về ổ dịch tại xã Bình Dương, ngày 7/3, bà Vân phát hiện trong chuồng nuôi có một số con bị ốm, chết nhưng không báo cho cơ quan thú y địa phương mà tự ý đem chôn sau vườn. Chiều 10/3, đàn lợn của bà Vân tiếp tục chết, lúc này gia đình bà mới báo cho cơ quan thú y địa phương. Ngay tối 10/3, cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm.
Trước đó, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, ông Trần Xuân Đông khuyến cáo người dân không nên sử dụng nước sông chảy qua những địa phương đã có bệnh dịch tả lợn châu Phi để chăn nuôi. Chính quyền địa phương đã yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường nhân lực, chủ động lập các chốt, trạm kiểm dịch ở nhưng nơi có nguy cơ lây nhiễm dịch; cấm buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra, vào khu vực ổ dịch...
Theo thông tin mới nhất từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, Hà Nội vừa phát hiện thêm một ở dịch tả lợn châu Phi tại huyện Sóc Sơn. Như vậy, tính đến hôm nay (11/3) Hà Nội đã phát hiện có 5 ổ dịch tả lợn châu Phi gồm Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Hoàng Mai và Sóc Sơn.
Để ngăn chặn dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan và các địa phương cần tiếp tục giám sát các cơ sở, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm các cơ sở xuất hiện lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh. Hàng ngày cập nhật diễn biến tình hình dịch tả lợn châu Phi trên cả nước và tổng hợp báo cáo theo quy định.
Đồng thời kiểm tra, xử lý các ổ dịch đã xảy ra tại 5 quận, huyện (việc duy trì trực chốt, vệ sinh tiêu độc, vận chuyển lưu thông…). Tăng cường kiểm dịch vận chuyển lưu thông, tập trung ở các đầu mối, các cơ sở giết mổ; nhất là việc nhập lợn từ các tỉnh, thành về Hà Nội. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc, không đúng theo quy định.
Để chủ động đối phó với dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã hướng dẫn bà con cách vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với vùng dịch (xã, phường/thị trấn nơi có ổ dịch) như: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc 1 lần/ngày trong 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Ngoài ra, đối với vùng có nguy cơ cao cần thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; sử dụng các thuốc khử trùng phổ rộng và pha đúng tỷ lệ, thực hiện đúng các bước như hướng dẫn...