Đó là thông tin bà Nguyễn Thị Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, đưa ra tại cuộc gặp gỡ báo chí vào chiều 15/10.
INWES - APNN năm 2018 do Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức có chủ đề "Nữ khoa học vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số”. Ngoài 180 đại biểu Việt Nam là các nữ khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, bộ, ngành của Việt Nam, hội nghị còn có sự tham dự của 85 đại biểu, khách quốc tế đến từ Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản. Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Sri Lanka, Đài Bắc (Trung Hoa)…
Trong 3 ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu sẽ trải qua các hoạt động như dự phiên khai mạc; nghe báo cáo của các thành viên APNN: Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản. Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Sri Lanka, Đài Bắc (Trung Hoa) và Việt Nam; tham gia 3 hội thảo chuyên đề; tham dự Triển lãm “Phụ nữ trong Khoa học và Sáng tạo”; Thông qua Tuyên bố Hà Nội do GS. Chia-Li Wu, Chủ tịch APNN trình bày; nghe phát biểu bế mạc Hội nghị của GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam. Đặc biệt, tối 19/10, sẽ diễn ra Gala Dinner do Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì.
Cụ thể, trong ngày 18/10/2018, Hội nghị sẽ nghe đại diện các thành viên APNN báo cáo tình hình hoạt động của tổ chức trong năm qua, đưa ra những kiến nghị nhằm tăng cường hợp tác giữa các thành viên APNN trong thời gian tới.
Trong buổi sáng ngày 19/10/2018, sẽ diễn ra ba Hội thảo chuyên đề. Trong đó, Hội thảo chuyên đề “Giới và Bình đẳng giới trong Khoa học và Công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, sẽ có sự tham gia của các diễn giả chính: .GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Đại học tự nhiên, Đại học Thái Nguyên trình bày về “Giới và Bình đẳng giới trong Khoa học và Công nghệ ở Việt Nam: Thực trạng và Giải pháp”; PGS.TS. Seema Singh, Đại học Công nghệ Delhi với nội dung “Những thách thức và cơ hội mà nữ kỹ sư phải đối mặt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt đối với khu vực các nước Nam Á”; bà Bridgit Sissons, Chủ tịch Hội nữ khoa học New Zealand với “Chương trình Đa dạng: Thúc đẩy sự thay đổi thật sự trong công nghệ và kiến trúc”; PGS.TS. Tsai, Li-Ling, Học viện Giáo dục Giới – Đại học quốc gia Kaoshsiung- Đài Bắc (Trung Hoa) với “Những biện pháp của Chính phủ nhằm cải thiện bình đẳng giới trong khoa học, công nghệ, đào tạo kỹ sư và toán học (STEM)”.
Cùng với đó là hai tham luận của .PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam với tham luận “Cán bộ khoa học nữ ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và một số giải pháp thúc đẩy”; TS. Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ với “Kinh nghiệm của nước ngoài về hoạch định chính sách đối với khoa học nữ”.
Hội thảo chuyên đề “Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm”, sẽ có sự tham gia của các diễn giả chính: GS.TS. Yukiko Kunugi, Chủ tịch Hội nữ khoa học Nhật Bản JWS với nội dung “Hệ thống an toàn thực phẩm ở Nhật Bản”; PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Giám sát An toàn Thực phẩm Quốc gia, Bộ Y tế với “Hệ thống giám sát ATTP ở Việt Nam: Thực trạng và Giải pháp”; PGS.TS.. M. Purevjav, Khoa Dinh dưỡng, Đại học Khoa học và Công nghệ Mông cổ với “Dinh dưỡng và khẩu phần ăn uống của người Mông cổ”; PGS.TS. Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia với “Khẩu phần ăn của người Việt Nam: Xu hướng và Phương pháp đánh giá”. Cùng với đó là 3 tham luận: Shun-Lien Sung, Chủ tịch Hội nữ khoa học Đài Bắc (Trung Hoa) với tham luận “An toàn thực phẩm và hệ thống báo cáo ở Đài Loan”; PGS.TS. Lê Thị Thúy, Ủy viên BCH Hội Nữ Trí thức Việt Nam với “Hiện trạng nông nghiệp hữ cơ ở Việt Nam: Tiềm năng và thách thức”; TS. Huỳnh Nam Phương, Bác sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Thực phẩm và Dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng quốc gia với “Ecosun- Tiếp cận lồng ghép giới góp phần giải quyết suy dinh dưỡng trẻ em ở nông thôn Việt Nam”.
Hội thảo chuyên đề “Giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu” với sự góp mặt của các diễn giả: GS. Vishaka Hidellage, Chủ tịch Hội nữ khoa học Sri- Lanka với “Hệ thống tưới tiêu truyền thống ở làng xã Sri Lanka”; bà Sangeeta Wij, nguyên Chủ tịch Hội nữ khoa học Ấn Độ với “Sẵn sàng đối phó với một cuộc động đất lớn hơn bằng việc xây dựng các kết cấu an toàn hơn”; PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam với “Ứng dụng các giải pháp tổng hợp về khoa học và công nghệ nhằm giảm thiểu tác động và nguy cơ của biến đổi khí hậu ở Việt Nam”; TS. Prati Giri, Hội nữ khoa học Nepal với “Ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra đối với cầu dành cho xe máy đi ở Nepal”. Cùng với đó là 3 tham luận của bà Nguyễn Thị Ý Như, Trưởng phòng Truyền thông và Đối ngoại, Công ty Coca Cola Việt Nam với “Xây dựng nguồn lực từ cộng đồng trong các dự án phát triển bền vững”; bà Hsiao-Mei Lin, đến từ HEX Safety, Inc với “Hệ thống cảnh báo và sơ tán năng động”; TS. Hà Phương Thư, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam với “Phát triển vật liệu nano tích hợp cho cây trồng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Bà Nguyễn Thị Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, cho biết: Cũng trong ngày 19/10, Hội nghị dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội, đề cập đến những quan ngại mà chúng ta đang phải đối mặt trong thời gian tới cũng như những đề xuất hợp tác khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chia sẻ thông tin, đào tạo, hỗ trợ phụ nữ vươn lên các vị trí lãnh đạo…. Đồng thời, thể hiện sự cam kết của các thành viên Mạng lưới INWES-APNN trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp giữa các nhà nữ khoa học khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của khu vực và thế giới, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Tuyên bố cung cũng sẽ ghi nhận tầm quan trọng các nhà nữ khoa học đối với sự tăng trưởng và phát triển bền vững của các nền kinh tế trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0; và sự cần thiết của việc thu hẹp khoảng cách giới trong khoa học và công nghệ.
Mạng lưới các nhà Khoa học nữ Quốc tế (INWES), là đối tác của UNESCO, được thành lập năm 2011, với số hội viên hiện lên đến 250.000 người. Ngoài APNN là mạng lưới nằm trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hiện gồm 13 thành viên là Australia, Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Sri Lanka, Pakistan, Đài Bắc (Trung Hoa) và Việt Nam, INWES còn có hai mạng lưới khu vực nữa là INWES-Europe (Châu Âu) và INWES-Africa (Châu Phi).
Đại diện Hội Nữ trí thức Việt Nam chia sẻ: Để đăng cai Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (INWES-APNN 2018); Việt Nam đã phải có những sự nỗ lực, chứng minh mình tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương 2017; bởi có rất nhiều nước cũng đứng ra muốn đăng cai Hội nghị. Chúng ta đã thành công cũng nhờ vị thế của Việt Nam nói chung và vị thế của phụ nữ Việt Nam nói riêng trong khu vực.
Cũng theo đại diện này, việc đăng cai tổ chức Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (INWES-APNN 2018) sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học nữ Việt Nam và các nữ khoa học đến từ các nước trong khu vực gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về những vấn đề mà các nước quan tâm như bình đẳng giới trong khoa học công nghệ, an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững…