Theo đó, nhà mạng Vinaphone chính thức khóa chiều đi từ ngày 31/3. Đại diện Vinaphone cho biết: Theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ, các thuê bao di động cần phải cung cấp các thông tin cá nhân chính xác (họ và tên, chứng minh nhân dân (CMND), ngày cấp và nơi cấp,…) với các nhà mạng. Quy định nhằm giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ và hạn chế tình trạng SIM rác trên thị trường.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) và theo hướng dẫn tại Nghị định 49/2017/NĐ, kể từ ngày 15/03/2023, VinaPhone đã thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Pháp luật trong quá trình thông báo/hướng dẫn khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao. VinaPhone đã thực hiện nhắn tin thông báo liên tục trong 5 ngày, đồng thời đã thực hiện các cuộc gọi thông báo/hướng dẫn cho khách hàng về thời hạn/cách chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Tính đến ngày 31/3/2023, đã có hơn 500.000 khách hàng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao theo thông báo và hướng dẫn của VinaPhone (qua ứng dụng My VNPT, http://my.vnpt.com.vn, các cửa hàng của VinaPhone trên toàn quốc).
Để hỗ trợ khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao, VinaPhone cũng đã tăng cường nhân sự giải đáp hướng dẫn khách hàng, nâng cấp các hệ thống kỹ thuật để có thể phục vụ hàng trăm ngàn khách hàng cập nhật lại thông tin thuê bao trong một ngày, tổ chức các quầy lưu động, bố trí nhân sự hỗ trợ tại nhà khách hàng, kéo dài thời gian phục vụ cũng tới 21 giờ -22 giờ hàng ngày.
Tuy nhiên, theo rà soát số liệu trên toàn hệ thống, đến ngày 31/3/2023 vẫn còn nhiều khách hàng chưa chuẩn hóa theo quy định. Thực hiện theo quy định của pháp luật, VinaPhone đã thực hiện chính thức khóa chiều gọi đi đối với tất cả các thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin vào ngày 31/3/2023 và sẽ tiếp tục khóa 1 chiều vào các thời điểm khác nhau (sau 31/3/2023) đối với một số khách hàng khác thuộc diện cần chuẩn hóa lại thông tin thuê bao/xác minh chính chủ.
Còn đại diện MobiFone cũng khẳng định sẽ dừng cung cấp dịch vụ viễn thông chiều đi đối với các thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin theo quy định vào đêm ngày 31/3/2023.
Nhằm giúp khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao một cách nhanh nhất, MobiFone đã tối ưu hóa các hệ thống kỹ thuật, đồng thời huy động tối đa cán bộ công nhân viên từ khối văn phòng, đoàn viên thanh niên, giao dịch viên để hỗ trợ, phục vụ hàng trăm nghìn khách hàng cập nhật thông tin thuê bao trong một ngày kể cả ngoài giờ, ngày nghỉ.
Tính đến ngày 31/3/2023, đã có gần 800.000 khách hàng MobiFone thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao (qua ứng dụng My MobiFone, website https://tttb.mobifone.vn/ , các cửa hàng của MobiFone trên toàn quốc).
Như vậy, theo rà soát số liệu trên hệ thống, còn khoảng 600.000 khách hàng chưa chuẩn hóa thông tin theo quy định. Thực hiện theo quy định của Pháp luật, MobiFone sẽ thực hiện chính thức dừng cung cấp dịch vụ viễn thông chiều đi đối với các thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin vào đêm ngày 31/3/2023.
Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao là nghĩa vụ và trách nhiệm của khách hàng theo quy định của pháp luật. Việc đảm bảo kết nối đồng bộ thông tin thuê bao di động với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư sẽ tạo thuận lợi cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ của MobiFone; đồng thời bảo vệ quyền lợi khách hàng khi sử dụng các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia hoặc dịch vụ ngoài viễn thông như: Dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm,….
Trao đổi với báo Tin tức vào sáng ngày 31/3, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: Dựa trên cơ sở dữ liệu thuê bao của các mạng di động và đối chiếu với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, có khoảng 3,8 triệu thuê bao sẽ phải chuẩn hóa thông tin. Tính đến sáng ngày 31/3, đã có có 1,99 triệu thuê bao chuẩn hóa thông tin cá nhân. Như vậy vẫn còn khoảng 1,8 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin theo quy định.
Theo số liệu của Cục Viễn thông mỗi ngày có khoảng 100.000 thuê bao đi đăng ký lại thông tin cá nhân. Như vậy, nếu không có gì đột biến, đến hết ngày 31/3 sẽ có khoảng 1,7 triệu thuê bao di động bị khóa một chiều.
Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao nhằm giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng các dịch vụ viễn thông, đồng thời hạn chế tình trạng SIM rác trên thị trường. Trước đó, vào tháng 11/2022, khi giới thiệu về tổng đài 156 phản ánh cuộc gọi rác, Bộ Thông tin Truyền thông cũng xác nhận hiện có 5.710 cá nhân sở hữu trên 100 SIM, có 261 cá nhân sở hữu trên 1.000 SIM.