Theo đó, để chủ động ứng phó với vùng áp thấp và gió Đông Bắc trên biển, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang theo dõi chặt chẽ về diễn biến của vùng áp thấp, mưa dông và gió Đông Bắc để chủ động triển khai ứng phó; thông báo cho chủ các phương tiện tàu, thuyền biết để phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn cho người dân và tàu thuyền.
Theo bản tin ngày 14/1 của Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, vùng áp thấp hoạt động trên khu vực Nam Trung Bộ đã mạnh trở lại. Hồi 13 giờ chiều nay, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 230km về phía Đông Đông Nam.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 13 giờ ngày 15/01, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 9,6 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 180km về phía Đông Bắc.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Cà Mau (bao gồm vùng biển đảo Phú Quý) có gió giật cấp 6-7, biển động. Khu vực các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông có khả năng xuất hiện tố, lốc và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh hoạt động mạnh, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) tiếp tục có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 2m-3m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.