Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương: Lẽ ra phải tăng lương cơ sở sớm hơn, nhưng vì 2 năm dịch bệnh, nên việc điều chỉnh này phải chậm lại. Hệ quả việc điều chỉnh này cũng làm giảm động lực, sự cống hiến tận tâm của người lao động, cá biệt người lao động một số lĩnh vực phải nghỉ việc, chuyển ra ngoài khu vực công.
"Việc tăng lương cơ sở lần này rất có ý nghĩa và cần thiết, nhất là sau thời gian hơn 2 năm ảnh hưởng bởi COVID-19. Đây là lần điều chỉnh tăng lương cao nhất từ trước tới nay”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay.
Sau nhiều năm chờ đợi và những khó khăn do dịch COVD-19, việc tăng lương cơ sở lần này không chỉ giúp cải thiện, nâng cao đời sống cho cán bộ công chức viên chức, mà còn mang lại niềm vui, động lực lớn cho cả người lao động, góp phần kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch.
Thế nhưng, không phải tất cả người lao động trong khu vực Nhà nước đều vui mừng với việc tăng lương. Khi điều chỉnh lương cơ sở, không ít người mừng ít lo nhiều, vì tăng lương thường đi kèm lạm phát, giá cả “té nước theo mưa”. Thực tế lương chưa kịp tăng thì đã có một số mặt hàng đã tăng giá nhẹ rồi; một số mặt hàng khác thì cũng đang rục rịch tăng giá. Làm thế nào để tăng lương cơ sở nhưng giá cả của các mặt hàng không tăng, để việc tăng lương cho người lao động có ý nghĩa thực sự là một vấn đề đang đặt ra. Khi điều chỉnh chính sách tiền lương, người hưởng lương sẽ vui mừng, nhưng nếu giá cả hàng hóa, sinh hoạt tăng cao hơn, việc tăng tiền lương sẽ trở nên vô nghĩa.
Thực tế, cứ mỗi đợt tăng lương, giá cả cũng đã leo thang, tăng với mức độ chóng mặt. Chính vì vậy, với phần tiền lương được tăng lên, người dân có thể cũng không đủ chi trả cho phần giá cả thị trường tăng.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, với nguồn lực của chúng ta có hạn, không thể là cứ thỉnh thoảng lại tăng lương và tăng lương nhiều để đạt được mức lương như kỳ vọng cho người lao động…
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng việc tăng lương là niềm động viên lớn cho người lao động. Tuy nhiên, so sánh mức lương hiện tại của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay với mức sống trung bình vẫn là khá thấp. Ví dụ, đối với một sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường và đi làm cho cơ quan nhà nước thì mức lương khởi điểm là quá thấp so với mức lương của một lao động tự do mới đi làm. Điều này đã thể hiện vấn đề mức lương hiện nay cho công chức, viên chức là rất thấp.
Do vậy, để cải thiện được tình trạng này, chúng ta khó có thể sử dụng các bài toán tăng lương để đạt được như kỳ vọng. Bởi vì nguồn lực có hạn, chúng ta không thể là cứ thỉnh thoảng lại tăng lương và tăng lương nhiều để đạt được mức lương như kỳ vọng cho người lao động. Trong khi đó, việc trượt giá qua hàng sẽ có, chứ không thể giữ nguyên được. Nếu cứ vài năm lại tăng một lần thì không ngân sách nào chịu nổi.
Phương án đặt ra là phải tập trung vào cải cách tiền lương. Cải cách tiền lương nghĩa là cải cách cách tính lương cho cán bộ, công chức, viên chức và nếu muốn cải cách cách tính lương, chắc chắn phải đi đôi với việc sắp xếp lại bộ máy. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình để có được một bộ máy thực sự tinh gọn và hiệu quả. Qua đó, giảm bớt được số người hưởng lương từ ngân sách, nhưng mức lương cho người lao động sẽ được cải thiện hơn.
“Việc cần làm, cũng như giải pháp lâu dài để giải quyết vấn đề này là chúng ta cần tập trung cải cách tiền lương đi đôi với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy một cách toàn diện, hiệu lực, hiệu quả và và thực sự đảm bảo tinh gọn là vấn đề mấu chốt quan trọng nhất. Để thực hiện được điều này, cần phải có sự quyết tâm chính trị của tất cả các cấp, các ngành và các địa phương”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay.