Thời gian qua, việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án thủy điện cũng như việc thẩm định của các cơ quan chức năng vẫn chưa thật sự được coi trọng, dẫn tới những hậu quả không tốt về hệ sinh thái và đời sống người dân. Đây là một trong những nội dung được nêu lên tại hội thảo về phát triển đập thủy điện do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức hôm qua (8/11) tại Hà Nội.
Lý giải chưa thỏa đáng từ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
Thủy điện Bình Điền (Thừa Thiên - Huế) khởi công từ tháng 1/2005, chính thức hòa lưới điện quốc gia năm 2009. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, công trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế như tác động đến nguồn thủy sinh vật, hoạt động đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản trên sông Hương. Cụ thể, sản lượng tôm cá đánh bắt giảm từ 50 - 70% so với thời điểm trước năm 2009. Một số loài cá gần như đã biến mất hoặc sụt giảm mạnh về số lượng như cá mõm, cá bọp, cá xanh, cá chình...
Đập thủy điện Sông Tranh 2 nhìn từ phía hạ lưu. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Khi nhìn lại ĐTM của dự án công trình thủy điện Bình Điền được thẩm định và thông qua ngày 5/5/2004, các chuyên gia nhận thấy khá nhiều thiếu sót. Đó là một số dự báo tác động môi trường chưa đưa ra được các con số cụ thể cũng như chưa chỉ ra được các tác động có thể xảy ra đối với môi trường. Chẳng hạn giai đoạn thi công công trình, chỉ dự đoán cụ thể tác động đến môi trường không khí, còn tác động đến môi trường đất và nước thì không có số liệu cụ thể. Các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đến môi trường được đề xuất một cách thiếu cụ thể. Ví dụ, giải pháp xây dựng âu tàu để duy trì đường di chuyển cho các loài cá đã được đề xuất nhưng không có thiết kế kĩ thuật. Các trạm giám sát môi trường nước và thủy sinh nghề cá đến nay cũng không có thiết kế kĩ thuật.
Vừa qua, những sự cố liên tục xảy ra tại dự án đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) đã khiến dư luận băn khoăn về độ tin cậy của quá trình lập ĐTM dự án này. Tại hội thảo, 2 công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A cũng nhận được nhiều ý kiến phản biện. Đây cũng là một trong những nội dung “nóng” được nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tại kỳ họp Quốc hội lần này.
Tại cuộc họp báo tổ chức tại Hà Nội (sáng 8/11) của doanh nghiệp nhằm giới thiệu thông tin về hai dự án thủy điện trên, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai (chủ đầu tư) trần tình: “Doanh nghiệp chúng tôi đã mất hơn 6 năm để chuẩn bị cho dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A”. Theo ông Bùi Pháp, báo cáo ĐTM của hai dự án đã được trình Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định và phê duyệt. “Nội dung của báo cáo ĐTM mà doanh nghiệp đã ký gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường không hề có đoạn nào sao chép như trước đây có ý kiến nghi ngờ” - ông Pháp khẳng định.
Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án cùng đơn vị lập dự án đầu tư và xây dựng hợp phần về môi trường đã không giải đáp thỏa đáng các vấn đề dư luận quan tâm về tác động của dự án tới môi trường và việc xây dựng báo cáo tác động môi trường. Các chất vấn của phóng viên tại cuộc họp báo chủ yếu xoay quanh nội dung: xây dựng báo cáo ĐTM của 2 dự án này không căn cứ vào Luật Đa dạng sinh học, chưa lường tới việc lưu thông dòng chảy (có thể tác động tới Bàu Sấu - trong Vườn Quốc gia Cát Tiên) khi thủy điện tích nước; không có các chuyên gia xã hội học trong thành phần tham gia đánh giá tác động môi trường trong khi thực tế nếu triển khai hai dự án thì ảnh hưởng tới khu vực hạ lưu, với nhiều giá trị văn hóa, xã hội; và đâu là căn cứ khoa học để khẳng định dự án không gây hậu quả nếu liên quan tới động đất và động đất kích thích...
Rà soát lại các dự án thủy điện
Theo PGS.TS. Lê Bắc Huỳnh (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), cần có một cơ quan chuyên môn độc lập rà soát toàn bộ các quy hoạch hồ chứa trên lưu vực sông, đặc biệt là các quy hoạch bổ sung do UBND các tỉnh phê duyệt để đảm bảo cân bằng giữa lợi ích kinh tế và lợi ích về xã hội, môi trường, phát triển thủy điện bền vững. “Đối với các hồ chứa ở khu vực miền Trung, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt và hạn hán, ngay từ giai đoạn quy hoạch, trong nhiệm vụ của công trình, bắt buộc phải bố trí nhiệm vụ điều tiết dòng chảy cắt giảm lũ chính vụ với dung tích phòng lũ hợp lí ở mỗi công trình và phải đảm bảo cấp nước cho hạ du vào mùa khô”, ông Huỳnh nói.
Theo PGS.TS. Lê Bắc Huỳnh: “Hầu hết quy hoạch hồ chứa của các thủy điện mới chỉ có đánh giá tác động môi trường và chưa đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) như quy định của pháp luật”. |
Cũng xuất phát từ những tác động tiêu cực của phát triển thủy điện đến đời sống người dân, ông Đào Trọng Tứ, Ban tư vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đề nghị dự án thủy điện phải nhận được sự chấp thuận của công chúng. “Sự chấp thuận của công chúng có ý nghĩa thiết yếu đối với sự phát triển công bằng và bền vững ngành nước và năng lượng. Những người bị tác động phải được tiếp cận và được cung cấp đầy đủ thông tin, hỗ trợ pháp lí và các hỗ trợ khác để tham gia vào quá trình ra quyết định”, ông Tứ cho hay.
Trên phương diện cơ quan quản lí nhà nước, ông Nguyễn Vũ Trung, Phó phòng đánh giá môi trường tổng hợp, Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) chỉ ra một lỗ hổng trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay. Theo ông Trung, điều 14, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, có 6 nhóm đối tượng phải lập báo cáo môi trường chiến lược (ĐMC), trong đó có quy hoạch thủy điện với tính chất liên tỉnh. Nhưng trong thực tế sau năm 2005, chúng ta chỉ có những dự án thủy điện nhỏ, không nằm trong các nhóm đối tượng của điều khoản này nên không được lập ĐMC. Ông Trung cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị để sửa đổi quy định này trong Luật Bảo vệ môi trường.
Hoàng Dương - TH