Với trên 743.000 lượt khách đi tàu trong 15 ngày miễn phí, trong đó ngày cao điểm nhất có trên 100.000 lượt khách đi tàu, tàu đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội đạt kết quả ấn tượng, được người dân nhiệt tình ủng hộ, hưởng ứng. Tuy nhiên, quá trình vận hành tàu đường sắt trong những ngày đầu bán vé bộc lộ những “hạt sạn” cần sớm được khắc phục như máy bán vé bị lỗi, hành khách không trả lại vé… để tàu Nhổn - ga Hà Nội phát huy hiệu quả.
Khác với vẻ sôi động, chen chúc xếp hàng trước cửa bán vé như những ngày đầu trải nghiệm miễn phí, theo quan sát của phóng viên, chiều thứ Hai đầu tuần (tức ngày thứ 4 bán vé), đúng tầm giờ cao điểm từ 16 giờ 30 phút - 17 giờ 30 phút, nhưng tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội khá thưa thớt, vắng vẻ. Mỗi toa có khoảng 20 hành khách, phần lớn hành khách là những người có nhu cầu thực, đi học hoặc đi làm, họ vào bến mua vé và lên tàu, thư thái tận hưởng không gian công cộng sạch sẽ, văn minh, hiện đại, “đi đến nơi về đến chốn” mà giá vé chỉ nhỉnh hơn vé xe buýt.
“Để đảm bảo tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vận hành trơn tru, công ty đã đưa các cán bộ, nhân viên có kinh nghiệm vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sang làm “nòng cốt” và nhận được sự phản hồi tích cực từ phía hành khách”, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết.
Sau khi chính thức bán vé, “sức nóng” của tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, lượng khách đi tàu vẫn khá đông nhưng hạ nhiệt vào những ngày thường trong tuần. Điều này cho thấy, phần đông hành khách đi tàu Nhổn - ga Hà Nội thời gian này là để khám phá, trải nghiệm, số còn lại là những hành khách chọn làm phương tiện đi lại hàng ngày và những hành khách này thường mua vé tháng, một số không đi lại thường xuyên thì mua vé lượt.
“Tôi làm công nhân vệ sinh của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, hàng ngày đến cơ quan bằng tàu Nhổn - ga Hà Nội thấy rất thuận tiện vì tàu đi nhanh và đúng giờ. Ngày nào cũng vậy, tôi thường thức dậy lúc 4 giờ 30 phút, nấu ăn sáng, sau đó 5 giờ 30 phút lên xe buýt từ Đan Phượng để ra ga, lên tàu và luôn đến trường trước 6 giờ 30 phút. Tôi mua vé tháng nên chi phí đi lại cũng không ảnh hưởng nhiều”, chị Trần Thị Mai (huyện Đan Phượng) vui vẻ cho biết.
Còn cô sinh viên Trường Đại học Thủ đô Lương Thị Ngọc Lan hàng ngày đến trường Đại học Thủ đô từ ga Nhổn cho biết, việc đến trường đỡ vất vả hơn rất nhiều nhờ phương tiện này. “Tôi sống ở khu vực Nhổn nằm trên lộ trình tuyến đường sắt trên cao này nên việc đi lại bằng tàu để đến trường rất hợp lý”, Lương Thị Ngọc Lan nói.
Bên cạnh sự phản hồi tích cực thì công tác vận hành tàu Nhổn - ga Hà Nội vẫn còn những “hạt sạn” như máy bán vé bị lỗi, hành khách không trả lại vé…
Từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, ngày Chủ Nhật chị Phương Loan đưa chồng, con đi trải nghiệm tàu đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội. Gia đình chị đến ga Nhổn đúng vào giờ cao điểm chiều Chủ nhật nên hành khách rất đông. Tuy nhiên, tất cả các máy bán vé tự động ở đây đều bị lỗi, không hoạt động, nhà ga đã phải dán mảnh giấy màu vàng để thông báo. Dòng người phải xếp hàng dài dằng dặc hai bên cửa bán vé chờ đợi để mua vé.
“Tôi nghĩ, hệ thống bán vé tự động thể hiện sự đổi mới về công nghệ, phát huy tính ưu việt của vận tải hành khách công cộng, thay thế cho kiểu bán vé truyền thống chưa thuận tiện, tốn thêm thời gian và nhân lực. Chính vì vậy, đơn vị vận hành cần sớm khắc phục các lỗi này để không gây thất vọng cho người dân khi mua vé”, chị Phương Loan đề xuất.
Chị Phương Loan cũng cho biết thêm, tại ga Chùa Hà, các máy bán vé vẫn hoạt động nhưng cũng chỉ nhận tiền mệnh giá dưới 100.000 đồng, còn trên 100.000 đồng là máy nhả ra, không nhận. Ngoài ra, tại khu vực chờ ở các ga, vào lúc trời mưa, các ghế ngồi bị mưa hắt ướt cũng cần được điều chỉnh để khắc phục.
Ngay chiều 26/8, tại ga Cầu Diễn, phóng viên cũng chứng kiến một nhóm sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải loay hoay 5 lần bỏ các tờ tiền mệnh giá 50.000; 100.000 đồng vào máy bán vé nhưng đều bị máy đẩy tiền ra, đến lần thứ 6 máy mới nhả vé.
Bên cạnh lỗi máy bán vé thì việc nhiều hành khách đi tàu không trả thẻ vé (thẻ token) đã làm thất thoát một lượng lớn thẻ vé trong 15 ngày vận hành tàu miễn phí. Giải thích lý do, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho rằng, do nhiều hành khách sau khi nhận token miễn phí đã không sử dụng token để qua cửa mà mang về nhà. Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội khuyến cáo, để nâng cao văn hóa sử dụng tàu đường sắt, hành khách cần nghiêm túc chấp hành các quy định, hướng dẫn của nhân viên nhà tàu, trả lại vé khi xuống tàu.
Mạng lưới vận tải hành khách công cộng của thành phố Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt, 2 tuyến đường sắt đô thị, phần lớn các tuyến buýt vẫn bán vé giấy, thu tiền mặt theo cách truyền thống, gây không ít khó khăn cho cả hành khách lẫn công tác quản lý. Việc sớm triển khai hệ thống vé điện tử liên thông cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và đường sắt đô thị ở thành phố Hà Nội là rất cần thiết.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định về quy định quản lý và hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ thống thu soát vé tự động liên thông dùng trong giao thông công cộng trên địa bàn thành phố. Theo đó, quy định về việc quản lý và hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống thu soát vé tự động (AFC) liên thông dùng trong giao thông công cộng, bao gồm các loại hình giao thông công cộng như: xe buýt, buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Để công tác vận hành tàu Nhổn - ga Hà Nội phát huy hiệu quả, đơn vị quản lý tàu cần sớm khắc phục các bất cập trong khâu bán vé. Trong giai đoạn đầu vẫn sử dụng song song hai loại hình vé giấy và vé điện tử, giúp người dân quen dần với công nghệ hiện đại. Đồng thời các hành khách cũng cần làm quen với hình thức bán vé tự động và nâng cao văn hóa khi tham gia vận tải hành khách công cộng.