Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được kiểm soát, số ca khỏi bệnh tăng, tỷ lệ tử vong thấp, tuy nhiên nhiều người sau khi mắc COVID-19 khỏi có triệu chứng hậu COVID. Để nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau COVID-19, các bác sĩ cho rằng phương pháp tốt nhất người bệnh nên tập hít thở, thể dục thể thao, sinh hoạt lành mạnh. Bởi nhiễm COVID-19 là do virus gây ra. Do vậy, người bệnh không nên mù quáng tin vào các quảng cáo "thần thánh" về sản phẩm bổ phổi, thanh lọc phổi trên thị trường, trên các mạng xã hội mà "tiền mất tật mang".
Qua khảo sát tại một số hiệu thuốc tây, các cửa hàng bán hàng xách tay trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các chủ cửa hàng giới thiệu các sản phẩm chức năng này có tác dụng bảo vệ, thanh lọc phổi, tăng cường đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể, hồi phục sức khỏe phổi sau khi mắc COVID-19 như giảm thở hụt hơi, tức ngực, khó thở... với giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm.
Cụ thể là Clearlungs Formula, 120 viên của Mỹ, giúp thanh lọc phổi, tăng cường đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể; viên bổ phổi Kobayashi được giới thiệu là "tuyệt chiêu làm sạch phổi, thổi bay COVID-19"; Vitatree Lung Detox "cho lá phổi xanh", hỗ trợ sức khỏe phổi và hệ hô hấp, tăng đề kháng, giảm ho; viên bổ phổi Xtend Life Lung Support Plus "bảo vệ, hồi phục sức khỏe phổi sau khi mắc COVID như giảm thở hụt hơi, tức ngực, khó thở"... Trong số đó phải kể đến viên uống thanh lọc phổi Healthy Care Original Lung Detox (loại 180 viên, xuất xứ Australia) nơi bán 650 nghìn đồng, chỗ 750 nghìn đồng/hộp được nhiều người lùng mua và rao bán trên nhiều trang mạng xã hội.
Chị Nguyễn Thị Hường, nhân viên ngân hàng Techcombank cho biết, sau 7 ngày mắc COVID-19 xét nghiệm âm tính, quay trở lại làm việc, đến công ty, thấy nhiều đồng nghiệp tâm sự sau khi khỏi bệnh bị các di chứng hậu COVID như khó thở, ho nhiều, người dễ mệt mỏi, hụt hơi… Lo lắng về các di chứng của hậu COVID-19, chị cũng đặt cho 2 lọ thực phẩm chức năng bổ phổi Healthy Care Original Lung Detox (loại 180 viên, xuất xứ Australia) với giá 1,3 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hường cho biết, phòng kế toán của chị có 7 người thì có đến 5 người mắc COVID-19, và tất cả đều mua loại thực phẩm chức năng này. Thậm chí có người còn đặt mua tận 10 hộp để dự trữ cho gia đình và biếu người thân.
Khác với chị Hường, anh Đặng Văn Tiến ở phố Huế, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, sau khi khỏi COVID-19 gần 3 tuần, anh bắt đầu thấy xuất hiện hiện tượng hụt hơi, khó thở, tức ngực, viêm họng, ho. Dù đi khám, chụp X-quang tim phổi không có tổn thương, song anh vẫn lo lắng sợ bị hậu COVID-19. Anh lên mạng và tìm mua loại lọc phổi Nhật Tsumura với giá 1,25 triệu đồng/hộp.
"Khi lên mạng tôi thật bối rối không biết mua loại nào vì có quá nhiều thuốc bổ phổi của Nhật được chào bán, mỗi nơi rao một giá. Ngoài ra, còn có nhiều loại khác chủ yếu là thực phẩm chức năng của nước ngoài như Australia, Mỹ, Nhật, Pháp… quảng cáo công dụng như "thuốc tiên", anh Tiến cho biết.
Theo chủ một cửa hàng thuốc tây ở phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), thời gian gần đây, lượng người hỏi mua kít xét nghiệm, hay các loại thuốc điều trị COVID-19 ít hơn hẳn so với cách đây vài tuần, thay vào đó là các loại thực phẩm giúp bồi bổ cơ thể sau COVID-19 lại có nhu cầu rất cao. Thường người tiêu dùng hay hỏi mua các loại thực phẩm này có chứa thành phần của các loại dược liệu cao cấp như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, nhân sâm… rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng bồi bổ, kích thích ăn ngon, ngủ ngon, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi mua hàng trên mạng xã hội. Hiện nay, các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện tràn lan trên Zalo, Facebook, Youtube… rất khó kiểm soát do các website có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài. Thậm chí, với một số website, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, các website quảng cáo thực phẩm chức năng đều có dòng chữ: "Sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" để đảm bảo tính pháp lý trong quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, dòng chữ này rất nhỏ, thường để cuối một bài quảng cáo dài với nhiều nội dung khiến người tiêu dùng khó nhận biết, tưởng là thuốc. Hơn nữa, việc sử dụng thực phẩm vchức năng giống như "dao hai lưỡi", nếu bổ sung dư thừa cũng gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.