Sống chung với ô nhiễm Kênh Ba Bò hiện là một trong những dòng kênh ô nhiễm chất thải nặng nề và tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng đến mức báo động. Đoạn kênh Ba Bò chảy qua Tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi ô nhiễm nặng nhất, vì nơi đây nhận lượng nước thải lớn từ các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương đưa về lắng lọc ở các hồ điều tiết và hồ sinh học. Theo người dân sinh sống dọc tuyến kênh, thời gian qua dòng kênh này tái diễn tình trạng ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt sau những cơn mưa, nước sủi bọt trắng và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại kênh Ba Bò vẫn chưa được xử lý triệt để. Ảnh: baobinhduong.vn |
Theo thống kê của các nhà khoa học, mỗi ngày, kênh Ba Bò phải nhận hàng chục ngàn m3 nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh Bình Dương như khu công nghiệp Sóng Thần 1, khu công nghiệp Sóng Thần 2, khu công nghiệp Đồng An và các nhà máy nằm ngoài khu công nghiệp. Ven bờ kênh Ba Bò, nước thải sinh hoạt tại các cụm dân cư dọc hai bên bờ cũng xả trực tiếp xuống dòng kênh.
Sinh sống tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức hơn 20 năm qua, bà Võ Thị Chi cho biết: "Tôi nhận thấy nước kênh Ba Bò ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Lúc trước nước kênh có màu đen đục, dần về sau nước có màu cam, đỏ đục, kèm với đó là nổi bọt trắng. Khi trời nắng hoặc sau mỗi trận mưa nhỏ thì kênh bốc mùi nồng nặc đến nỗi tôi phải đóng kín cửa nhà, không dám cho mấy đứa cháu ra ngoài sợ hít phải mùi bị nhiễm bệnh".
Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Long, người dân sống ở phường Bình Chiểu cho biết: "Người dân ở đây rất bức xúc với tình trạng ô nhiễm này, đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương các cấp có giải pháp cụ thể. Tôi thấy nhiều dự án được triển khai ở khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm bao nhiêu".
Đánh giá về tình trạng kênh Ba Bò, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bá cho biết, kênh Ba Bò đang bị ô nhiễm nặng nề, nguyên nhân do xả thải công nghiệp của các nhà máy, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương và xả thải sinh hoạt của người dân ở cả Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Nước thải ở kênh Ba Bò có màu cam, đỏ đục và nổi bọt trắng chủ yếu do ô nhiễm chất thải từ luyện khoáng, si mạ, nhiệt lượng, tẩy nhuộm. Qua mùi hôi hắc và nồng nặc của nước thải ở kênh có thể nhận biết đó là mùi hôi hóa chất công nghiệp.
Mặc dù các khu công nghiệp ở Bình Dương có khu xử lý nước thải tập trung nhưng việc xử lý và quản lý vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn lén đổ nước thải trực tiếp ra kênh để tiết kiệm chi phí xử lý. Ngoài ra, ở các khu công nghiệp này có trạm quan trắc tự động nhưng chỉ nhận biết được 4 - 5 chỉ tiêu trong nước thải, vì vậy không đánh giá được toàn diện mức độ ô nhiễm của nước thải.
Theo ông Lê Huy Bá, tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trong khu vực. Mùi hôi của các loại hóa chất trong nước thải như NO2, N2O, CH4 bốc lên có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp và bệnh ngoài da. Nước thải ở kênh Ba Bò ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm trong khu vực vì nguồn nước ngầm này hình thành từ nước trên bề mặt thấm xuống các lớp đất đá và được giữ lại ở tầng không thấm được. Các chất độc hại trong nước thải gồm các loại hóa chất mạch vòng và các kim loại nặng như đồng, chì, kẽm, các loại vi sinh vật như E.coli, colifarm, các loại vi trùng, vi khuẩn có thể thấm vào nước ngầm khiến người sử dụng mắc những bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, kể cả bệnh ung thư.
Cần chung tay xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò Vấn đề xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò đã được tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện từ 10 năm qua. Tuy vậy, theo các chuyên gia môi trường, để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai địa phương.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ năm 2007, thành phố đã triển khai dự án đầu tư cải tạo tuyến kênh Ba Bò với nguồn kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Hiện các hạng mục như nạo vét lòng kênh, xây kè, đường giao thông đã cơ bản hoàn thành, hạng mục chính là hồ điều tiết, hồ sinh học để xử lý nước thải đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến đưa vào sử dụng cuối tháng 8/2017, được đặt ở vị trí giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thuận tiện trong việc lắng lọc và xử lý nước thải.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đang lên kế hoạch thực hiện thu gom nguồn nước thải sinh hoạt của các hộ dân sống ven kênh Ba Bò đoạn đi qua tỉnh Bình Dương nhằm giảm ô nhiễm nguồn nước của kênh.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bá cũng cho biết, trong thời gian qua, Bình Dương cũng như Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn, cũng như triển khai các công trình, dự án giải quyết ô nhiễm kênh Ba Bò nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Tỉnh Bình Dương đã chi hàng trăm tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh chi hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện bờ kè, đường giao thông, vách ngăn dòng chảy nhưng đây chỉ là các công trình mang tính chất bề nổi, chủ yếu về công trình cảnh quan chứ chưa giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nguồn nước thải trên kênh.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bá, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc triển khai các công trình giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước trên kênh Ba Bò; trong đó, ở vị trí thượng nguồn, Bình Dương phải xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi đổ vào nguồn nước kênh Ba Bò và kiểm soát chặt chẽ nguồn thải của các nhà máy, doanh nghiệp trong khu công nghiệp Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Đồng An. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần bố trí hồ điều tiết, hồ sinh học ở vị trí phù hợp và vận hành đúng quy chuẩn nhằm xử lý hiệu quả nước thải trước khi đưa vào nguồn nước của kênh.