Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này tiếp nhận một bé trai 3 tuổi bị tai nạn chúi đầu vào xô nước, gây ngạt nước và tử vong sau đó. Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, ngày 3/5, bé trai N.T.H (sinh năm 2020, ngụ tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, mất phản xạ ánh sáng.
Theo lời kể của người nhà, bé được người thân mua cho một chiếc súng nước nên đã tự lấy nước và ngã chúi đầu vào xô chứa nước cao 50cm. Sau khi phát hiện bé trai tím tái, bất động, người thân đã lau khô người, xốc nước, hơ lửa ấm và chuyển đến bệnh viện địa phương. Tại đây, các bác sĩ tiến hành hồi sức tim phổi, đặt nội khí quản và chuyển ngay lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Dù các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 tiến hành truyền dịch, chống sốc, dùng thuốc vận mạch, trợ tim, nỗ lực điều trị suốt 3 ngày nhưng trẻ không qua khỏi.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận một bé gái 2 tuổi nguy kịch vì ngã chúi đầu vào xô đầy nước khoảng 5 phút. Khi người nhà phát hiện thì bé gái bất tỉnh, tím tái và may mắn được cứu sống sau đó.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, trong tháng 4, đơn vị liên tục cấp cứu cho các trẻ bị ngạt nước, đuối nước, nhiều ca nguy kịch. Đây là dạng tai nạn rất phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là vào mùa hè. Điển hình là trường hợp của một bé trai 4 tuổi (ngụ tỉnh Tiền Giang) bị đuối nước khi tắm ở hồ bơi. Sau khi phát hiện bé chìm ở hồ bơi, người thân đã vớt lên, tiến hành xốc nước, ấn tim thổi ngạt rồi chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Các bác sĩ đã xử trí đặt nội khí quản giúp thở, ấn tim, tiêm adrenalin, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. May mắn, sau hai tuần điều trị, tri giác trẻ cải thiện dần, tiếp xúc chậm, cai được máy thở, thở oxy sau đó tự thở khí trời. Hiện bé trai vẫn đang được tiếp tục điều trị oxy cao áp và hỗ trợ dinh dưỡng vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
Theo các bác sĩ, những sai lầm phổ biến của phụ huynh khi xử trí trẻ ngạt nước đó là bỏ nhiều thời gian cho việc xốc nước, hơ lửa, đuổi cha mẹ của trẻ đi khỏi khu vực trẻ bị tai nạn. Thực tế, động tác dốc ngược trẻ không cần thiết và không nên thực hiện vì thường lượng nước vào phổi rất ít. Nhiều trẻ ngưng thở, ngưng tim, nhưng không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. Điều này làm não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não dẫn tới tử vong hoặc để lại di chứng não nặng nề. Vì thế, khi đưa đầu trẻ lên khỏi mặt nước phải thực hiện cấp cứu thổi ngạt ngay và tiếp tục hồi sức tim, phổi khi vào bờ.
Để hạn chế tai nạn đuối nước, ngạt nước, các bác sĩ lưu ý phụ huynh không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà, không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông; nên hướng dẫn trẻ tập bơi và khi đi hồ bơi, không cho trẻ nhỏ vào hồ bơi dành cho trẻ lớn, người lớn và luôn để mắt trông chừng trẻ, tốt nhất là người lớn phải cùng bơi chung với trẻ.