Ông Ngô Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, mình từng phải can thiệp để nhà trẻ xã nhận con em công nhân vào học, nếu không họ chẳng biết gửi ai. Tình trạng thiếu nhà trẻ cho con em công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội đang là nỗi lo của Liên đoàn Lao động và Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội.
Theo Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, lao động nữ tại các khu công nghiệp (KCN) phần đông ở độ tuổi sinh nở, từ 18- 30 tuổi. Thế nhưng, hơn 15 năm qua từ ngày KCN đầu tiên đi vào hoạt động đến nay, chưa một KCN nào có nhà trẻ, trường mẫu giáo dành riêng cho con em công nhân của mình. Việc gửi con trông chờ vào hệ thống trường lớp sẵn có của địa phương. Trong khi đó, nhiều xã/phường tại Hà Nội cũng rơi vào tình trạng quá tải do số lượng trẻ em ngay tại địa phương tăng mà trường lớp vẫn giữ nguyên trạng, không tăng cường.
Khảo sát một vòng quanh 7 KCN đang hoạt động tại Hà Nội, dễ dàng nhận thấy, dù được đánh giá là lý tưởng như Thạch Bàn (Long Biên), Phú Thị (Gia Lâm)… hay quá tải như Kim Chung (Đông Anh), Quang Minh (Mê Linh)… đều chung một thực trạng buồn. Đó là tình trạng “trắng” hoàn toàn lớp dành cho trẻ sơ sinh (từ 4-18 tháng tuổi). Trong khi đó, điều lệ về mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2008 đã quy định các trường mầm non phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại KCN Thăng Long (Hà Nội) chiếm đa phần công nhân trên toàn thành phố (hơn 5 vạn công nhân, trong đó số công nhân nữ khoảng 4 vạn người). Theo thống kê, đã có khoảng 1 vạn nữ công nhân trong số này đã lập gia đình. Như vậy, trong vòng một vài năm tới tại KCN này sẽ có hàng vạn trẻ em ra đời.
Thiết nghĩ, xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân lao động là vấn đề bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả chính quyền, ngành giáo dục và toàn xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, hiện toàn thành phố Hà Nội có 8 KCN. Số KCN này tập trung khoảng 10 vạn công nhân. Tuy nhiên chưa KCN nào có nhà trẻ dành riêng cho con em công nhân. Hiện mới có khu Kim Chung và Phú Mỹ đã xây nhà cho công nhân ở nhưng theo thiết kế dành cho hộ độc thân ( mỗi phòng từ 8- 26 người/ phòng) mà chưa tính đến xây phòng cho những gia đình công nhân ở.
“Sau khi Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội được UBND TP giao tổng hợp nhu cầu thực tế về nhà ở cho CNLĐ, chúng tôi đã đề xuất khi xây dựng nhà ở cho công nhân cần phải có các công trình đi kèm như phòng y tế, nhà ở cho hộ gia đình, nhà trẻ, siêu thị, dịch vụ… Kiến nghị này đã được phê duyệt vào giai đoạn 2 tại khu Kim Chung ( xây nhà 15 tầng)”, ông Xuân Chính cho biết.
Lý Hà