Tại mức chỉ số này, tia cực tím có khả năng gây bỏng cho da nếu tiếp xúc trực tiếp dưới ánh mặt trời liên tục trong 25 phút; các thành phố còn lại trên cả nước hầu hết có chỉ số cực tím ở mức nguy cơ gây hại cao, riêng Thủ đô Hà Nội ở mức nguy cơ gây hại trung bình.
Vào thời điểm 12 giờ ngày 19/11, chỉ số tia cực tím đạt mức cực đại tại thành phố Nha Trang là 8.1, TP Hồ Chí Minh là 8.0, thành phố Cà Mau là 8.1.
Dự báo chỉ số tia cực tím cực đại từ ngày 20 - 22/11, tại các thành phố miền Bắc phổ biến ở mức nguy cơ gây hại trung bình; riêng ngày 21/11, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), thành phố Hải Phòng có chỉ số tia cực tím tăng lên mức nguy cơ gây hại cao; còn tại các thành phố miền Trung và miền Nam, chỉ số tia cực tím tiếp tục duy trì mức nguy cơ gây hại cao.
Chỉ số tia cực tím là phép đo tiêu chuẩn quốc tế về độ mạnh của bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời. Chỉ số tia cực tím dao động từ 0-2 được xem là thấp. Chỉ số cực tím từ 8-10 có nguy cơ gây hại rất cao, có khả năng gây bỏng cho da nếu tiếp xúc trực tiếp dưới ánh mặt trời liên tục trong 25 phút. Chỉ số cực tím từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, có nguy cơ làm tổn thương da và mắt khi tiếp xúc trực tiếp trong 15 phút mà không được bảo vệ. Chỉ số tia cực tím ở mức 12 là mức nguy hiểm cực độ.
Việc tiếp xúc quá lâu với tia cực tím sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da. Tia cực tím gây đứt gãy các liên kết giữa các phân tử, góp phần làm đột biến cấu trúc DNA và RNA trong nhân tế bào, đây là nguyên nhân chính gây ung thư các dạng như u hắc tố, ung thư liên bào đáy, u tế bào vảy, u tuyến bã... Tiếp xúc với bức xạ cực tím còn gây ra ức chế hệ thống miễn dịch. Các nhà khoa học cho rằng, việc cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu suốt đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.
Ngày 19/11, chỉ số nóng bức (Heat-Index) tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), TP Hồ Chí Minh, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) ở mức từ 32-41, thuộc mức đặc biệt cẩn trọng. Ở mức nhiệt này, người dân có khả năng chuột rút hoặc kiệt sức vì nóng khi tiếp xúc với nắng nóng ngoài trời hoặc hoạt động thể chất kéo dài.
Để phòng tránh các tác hại của tia cực tím và đề phòng sốc nhiệt, người dân khi làm việc ngoài trời nắng cần trang bị đồ dùng chống nắng như: quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính…, uống đủ nước.