Trong khi đó, các tỉnh, thành phố từ Trung Bộ trở vào Nam Bộ, chỉ số này duy trì ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao trong cả 3 ngày.
Ngày 9/5, chỉ số tia cực tím tại thành phố Cần Thơ thấp nhất cả nước khi mức cao nhất chỉ đạt 7.2 lúc 10 giờ, tại Hà Nội ở mức 8.2-8.7 và gây hại cao nhất trong thời gian ngắn 11-13 giờ. Bức xạ tia cực tím ỏ các thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau (tỉnh Cà Mau) cũng gây hại rất cao lúc 11-13 giờ.
Chỉ số tia cực tím ở các thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đạt mức 7.6-9.5, thành phố Hải Phòng từ 7.7-9.5, thành phố Đà Nẵng đạt mức 7.8-9.7, Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đạt mức 7.8-9.6, Hội An (tỉnh Quảng Nam) đạt mức 7.8-9.6 và cùng gây hại rất cao từ 10-13 giờ.
Theo thang bảng đo chỉ số tia cực tím, từ 6-7 là mức cao, từ 8-10 là mức rất cao, trên 10.5 là mức đặc biệt cao (có thể xuyên qua mây và các loại cửa kính, gây bỏng trong thời gian 25 phút), còn từ 11 trở lên là mức cực kỳ cao, rất nguy hiểm.
Các bác sĩ cho rằng, tác hại cấp tính phổ biến nhất của tia cực tím là cháy nắng do tiếp xúc quá mức trong thời gian ngắn. Đặc biệt, khi nắng nóng đỉnh điểm có thể gây say nắng hoặc say nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tiếp xúc với tia cực tím tích lũy, hay việc phơi nắng khi tia cực tím cao xảy ra thường xuyên và kéo dài có thể dẫn đến lão hóa da sớm, đặc biệt là ung thư da.
Việc công bố thời điểm tia cực tím gây hại là cần thiết để người dân biết, sử dụng các biện pháp tránh nắng kịp thời. Một cách khác để xác định thời điểm chỉ số tia cực tím nguy hiểm là đứng dưới nắng và quan sát bóng của mình, nếu bóng ngắn hơn chiều cao thì tương ứng với chỉ số tia cực tím cao.
Khi ra nắng, các biện pháp chống nắng cần thiết như sử dụng kem chống nắng có quang phổ rộng, nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ hoặc sau khi bạn tiếp xúc với nước để đảm bảo hiệu quả bảo vệ da, đeo kính mắt có tác dụng chống tia cực tím, đội mũ, quần áo chống nắng cũng như cần uống đủ nước, ăn rau củ quả tươi, có thể bổ sung nước khoáng, nước ép trái cây giàu vitamin...