Tại mức nhiệt này, người dân có khả năng bị chuột rút hoặc kiệt sức vì nóng khi tiếp xúc với nắng nóng ngoài trời hoặc hoạt động thể chất kéo dài.
Chỉ số HI là một chỉ số kết hợp nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí trong các khu vực bóng râm để ấn định nhiệt độ tương đương theo cảm nhận của con người. Do chỉ số nóng bức dựa vào nhiệt độ trong bóng râm, trong khi con người thường di chuyển qua các khu vực có nắng nên chỉ số nóng bức có thể đưa ra một nhiệt độ thấp hơn khá nhiều so với các điều kiện thực tế đối với các hoạt động ngoài trời điển hình.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chỉ số HI ở mức dưới 27 là an toàn; từ 27-32 là ở mức cẩn trọng, có thể gây mệt mỏi nếu duy trì tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài; từ 32-41 thuộc mức đặc biệt cẩn trọng, có khả năng chuột rút hoặc kiệt sức vì nóng khi tiếp xúc với nắng nóng ngoài trời hoặc hoạt động thể chất kéo dài.
Chỉ số HI ở mức 41-54 là nguy hiểm, người dân có khả năng bị say nắng, kiệt sức vì nóng, thậm chí có thể bị sốc nhiệt nếu tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài. Chỉ số HI trên 54 là cực kỳ nguy hiểm, người dân rất dễ bị say nắng, sốc nhiệt ở ngoài trời.
Trong ngày 25/2, chỉ số tia cực tím (UV) thời điểm cực đại (từ 11-13 giờ) tại các tỉnh, thành phố thuộc Nam Bộ ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao; đặc biệt tại các thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và thành phố Cà Mau (Cà Mau) có chỉ số tia UV ở mức 9-10.
Cụ thể, vào thời điểm 11-13 giờ khi tia cực tím đạt mức cực đại trong ngày, các thành phố có chỉ số ở mức gây hại rất cao (7.5 đến 10.4) như sau: Thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) ở mức 8.0, thành phố Đà Nẵng ở mức 8.5, thành phố Hội An (Quảng Nam) ở mức 8.4, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) ở mức 9.8, Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 9.7, thành phố Cần Thơ ở mức 9.9, thành phố Cà Mau (Cà Mau) ở mức 10.1.
Theo dự báo viên Nguyễn Thu Hằng, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 26-28/2, các thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), thành phố Hải Phòng và thành phố Hà Nội có chỉ số tia UV trong ngày đạt ngưỡng nguy cơ gây hại trung bình đến cao (4-6); các thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế), thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An (Quảng Nam) có chỉ số tia UV trong ngày đạt ngưỡng nguy cơ gây hại cao đến rất cao (8-9). Còn tại các thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và thành phố Cà Mau (Cà Mau) có chỉ số tia UV cực đại duy trì ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (9-10).
Chỉ số tia cực tím (UV) là phép đo tiêu chuẩn quốc tế về độ mạnh của bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời. Chỉ số tia cực tím dao động từ 0 - 2 được xem là thấp. Chỉ số tia cực tím từ 7.5 - 10.4 có nguy cơ gây hại rất cao, có khả năng gây bỏng cho da nếu tiếp xúc trực tiếp dưới ánh mặt trời liên tục trong 25 phút. Người dân cần có biện pháp che chắn khi ra ngoài trời, bôi kem chống nắng, đeo kính râm.
Khi chỉ số tia cực tím ở mức từ 9 -10, người dân cần hạn chế ra ngoài trời vào thời điểm ban trưa, nên ở dưới bóng mát, lúc này việc đeo kính râm, đội mũ là bắt buộc. Chỉ số tia cực tím từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, có nguy cơ làm tổn thương da và mắt khi tiếp xúc trực tiếp trong 15 phút mà không được bảo vệ. Chỉ số tia cực tím ở mức 12 là mức nguy hiểm cực độ.
Tiếp xúc quá lâu với tia cực tím sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da, gây ra ức chế hệ thống miễn dịch đối với cơ thể. Việc cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần phòng tránh tác hại của tia UV bằng cách mặc quần áo dài tay tối màu, có khả năng chống nắng, đội mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai, đeo kính râm có tròng kính chống nắng để bảo vệ mắt, bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.