Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã khẳng định với báo chí ngày 15/11: Nghị định 71/CP quy định không xử phạt người điều khiển xe không chính chủ mà chỉ xử phạt chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu đúng quy định. Quy định này nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm kỷ cương pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân, đồng thời tránh gây xáo trộn, hiểu lầm về quy định xử phạt.
Theo đó, đối với vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện, Nghị định 71/CP không điều chỉnh về tính chất, loại hành vi vi phạm mà chỉ tăng mức phạt so với quy định cũ tại Nghị định 34/2010/NĐ - CP trước đây. Quy định này đã qua 4 lần sửa đổi và đến Nghị định 71/CP cũng chỉ nâng mức phạt, còn những quy định về hành vi vi phạm và việc xử phạt vẫn áp dụng theo các quy định hiện hành.
Lo ngại về việc nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ một số quy định xử phạt trong Nghị định 71/CP, đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết, Nghị định 71/CP được ban hành từ giữa tháng 10/2012 và đã được thông báo rộng rãi đến người dân, chủ phương tiện biết về sự thay đổi của các mức xử phạt đối với từng lỗi vi phạm. Việc xử lý phương tiện không sang tên đổi chủ là cần thiết, nhằm quản lý phương tiện giao thông, tránh thất thu thuế cho Nhà nước, góp phần giải quyết các vụ án hình sự, tai nạn giao thông nhanh chóng.
Thông tư 36/2010/TT - BCA của Bộ Công an cũng nêu rõ, các trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng, đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu. Đối với trường hợp chủ xe đã mất, thì người được thừa kế phải đứng ra chịu trách nhiệm thay chủ xe làm các thủ tục cần thiết. Do đó, các trường hợp mượn xe như: Chồng đi xe của vợ, con đi xe của bố mẹ... thì không bị xử phạt. Thậm chí hợp đồng lái thuê cũng không bị xử phạt. Nếu mua, bán, cho tặng không sang tên đổi chủ theo đúng quy định mới thì sẽ tiến hành xử phạt theo quy định.
Tiến Hiếu