Theo đó, các điểm có chỉ số chất lượng không khí tốt (AQI dưới 50) chủ yếu tập trung tại các quận, huyện ngoại thành như: Trường Mầm non Vân Hà và Nhà Văn hóa thôn Sát Mai, xã Võng La (huyện Đông Anh), UBND thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất), Nhà Văn hóa thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), Trạm Y tế xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức), Trường Trung học Cơ sở Văn Yên (quận Hà Đông), Trụ sở Công an xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì)...
Tại các quận nội thành, chỉ số chất lượng không khí đo được phần lớn ở mức trung bình (từ 50 đến 100), chất lượng không khí ở mức chấp nhận được như: Trạm đo Đầm Trấu (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) có chỉ số 59, Trạm đo Kim Liên (quận Đống Đa) có chỉ số 85, Trạm đo tại Cung thiếu nhi Hà Nội (số 36 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) có chỉ số 96… Tuy nhiên, những người nhạy cảm như: người già, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch... có thể chịu những tác động nhất định tới sức khoẻ.
Trong ngày 17/3, thời tiết khu vực Hà Nội nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung thường có mưa nhỏ về đêm và sáng sớm, gió Đông Nam cấp 2-3 hoạt động mạnh vào chiều tối. Đây là một trong những yếu tố giúp chất lượng không khí tại Hà Nội giảm bớt ô nhiễm.
Người dân nên tranh thủ những lúc không khí được cải thiện hơn để mở cửa, giúp không khí lưu thông tốt, giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ. Khi chất lượng không khí xấu hơn, người dân cần quét nhà, hút bụi thường xuyên, nên chạy máy lọc không khí để loại bỏ các tạp chất cùng nhiều yếu tố độc hại ẩn nấp trong không khí.
Các chuyên gia khuyến nghị, người dân nên hút bụi thảm trải sàn, thảm chùi chân hằng tuần; mở cửa lớn, cửa sổ vào những ngày không khí bớt ô nhiễm để không khí được lưu thông. Điều này sẽ giúp đẩy các chất ô nhiễm trong nhà ra ngoài, đồng thời làm cho ngôi nhà đón nhận được ánh mặt trời nhiều hơn.
Theo ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hầu hết các điểm quan trắc thuộc khu vực Bắc Bộ cho thấy chỉ số chất lượng không khí ở mức trung bình và tốt như: trạm quan trắc tại UBND thành phố Uông Bí và trạm đo tại Thành ủy thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), trạm đo tại số 10 đường Hùng Vương (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên)... Duy nhất có một điểm quan trắc tại Trung tâm Quan trắc và Dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng (phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng) có chỉ số chất lượng không khí ở mức kém.
Người dân sống trong khu vực này nên hạn chế mở cửa ra vào, cửa sổ vào thời điểm không khí bên ngoài ô nhiễm nặng, nhất là khi nhà ở gần đường lớn, gần các khu vực ô nhiễm. Mọi người từ bên ngoài trở về nhà, có nhiều bụi bẩn và chất gây dị ứng bám trên quần áo, tóc và cơ thể theo vào nhà nên giặt chăn, ga, vỏ gối hằng tuần để hạn chế bụi bẩn tích tụ.
Ở những nơi không khí không tốt, những người thấy có triệu chứng đau mắt, ho hoặc đau họng nên cân nhắc việc giảm các hoạt động ngoài trời. Học sinh có thể hoạt động bên ngoài nhưng nên giảm bớt việc học hành và tập thể dục kéo dài. Người mắc bệnh hen suyễn có thể cần sử dụng thuốc thường xuyên hơn.
Trong điều kiện thời tiết xấu, người dân cần sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường, cần vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý, thực hiện theo Thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) của Bộ Y tế.