Tấn công mạng thành công có nghĩa là hệ thống thông tin (HTTT) sụp đổ và không hoạt động, trong đó, khá nhiều hệ thống phải mất hàng chục ngày để khôi phục. Các doanh nghiệp còn có nguồn lực đầu tư cho CNTT, an toàn, an ninh mạng, cũng như nguồn lực nội bộ để bảo vệ. Song, HTTT của các bộ, ngành, địa phương đầu từ nguồn lực ít hơn, nếu bị tấn công, chắc chắn sụp đổ.
Trước đó, ngày 11/6, Bộ TT&TT đã trực tiếp chủ trì cuộc họp với Cục An toàn thông tin (ATTT), một số doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng chủ chốt cung cấp dịch vụ ATTT. Tại cuộc họp, đã có nhiều định hướng, cách tiếp cận mới để nâng cao khả năng chống chịu của các hệ thống và Bộ sẽ có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trong đó nêu rõ hệ thống bị tấn công, bị sụp đổ phải chú trọng phương án hồi phục nhanh, có nghĩa là dữ liệu không bị mất, không bị mã hoá.
Theo đó, phải có phương án dự phòng (backup) và sẵn sàng phương án phục hồi nhanh khi xảy ra khả năng bị mã hoá dữ liệu. Hiện nay, đã có doanh nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp hồi phục nhanh chỉ trong 1 ngày.
Bộ trưởng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải chú ý đến phương án phục hồi để tránh khi bị tấn công sẽ bị dừng hoạt động của bộ, ngành địa phương.
Theo Bộ trưởng, 4 cuộc tấn công là cảnh báo lớn để các bộ ngành, địa phương phải quan tâm giống như vụ tấn công Vietnam Airlines (VNA) trước đây đã làm thay đổi nhận thức của các bộ ngành, địa phương, các cấp về an toàn, an ninh mạng. Cục ATTT rà soát lại HTTT các bộ ngành, hướng dẫn các địa phương bảo vệ dữ liệu và hồi phục nhanh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long lưu ý các Sở TT&TT, các đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành về Công điện số 33 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm ATTT mạng. Bộ TT&TT sẽ ban hành hướng dẫn chi tiết bảo đảm ATTT theo nguyên tắc phục hồi nhanh nhất khi sự cố xảy ra.