Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Vũ Xuân Thành cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, chuẩn bị tốt các kế hoạch ứng phó với bão số 6. Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão sẽ gây gió mạnh, sóng lớn trên biển và mưa lớn tại khu vực miền Trung. Do vậy, để chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại của bão số 6, các bộ, ngành, địa phương ven biển miền Trung cần thực hiện nghiêm Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó bão Trà Mi và Công điện số 7966/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 22/10 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ứng phó với bão Trà Mi gần Biển Đông.
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức trực ban (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.
Nhận định về diễn biến bão số 6, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, đến 8 giờ ngày 25/10, cường độ bão đã tăng lên cấp 10, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Dự báo trong 24 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và có khả năng mạnh lên cấp 12. Khi vượt qua phía Bắc khu vực Trường Sa, Hoàng Sa thì cường độ bão có xu hướng suy yếu do có tác động của không khí lạnh còn cấp 10-11.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, hiện nay ở phía Đông của Philippines có áp thấp nhiệt đới, trong 24-48 tiếng tới có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển đến phía Đông Bắc của đảo Luzon (Philippines) nên có sự tương tác của bão đôi làm cho bão số 6 dịch chuyển ra ngoài và suy yếu. Song trên ảnh mây vệ tinh thể hiện hoàn lưu của bão số 6 là rất rộng và lệch về phía Tây.
"Khu vực Bắc và giữa Biển Đông là vùng tác động chính của gió mạnh và phía Nam của Biển Đông có gió Tây Nam mạnh. Với hướng di chuyển như trên, từ chiều 26/10, khu vực biển Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7, khi bão số 6 đến gần tăng lên cấp 8-9. Cùng với đó, từ tối và đêm 26-29/10, ảnh hưởng của bão sẽ gây mưa ở từ Hà Tĩnh vào đến Phú Yên, trong đó vùng mưa lớn tập trung từ Quảng Trị - Quảng Nam, Kom Tum, Gia Lai với lượng mưa từ 200-300mm", ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý.
Đề cập đến hiện trạng hệ thống đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, hiện còn tồn tại 72 trọng điểm đê điều xung yếu (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận) và 5 công trình đang thi công (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên).
Thông tin về tình hình tàu thuyền, theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ 30 phút ngày 25/10, lực lượng chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm (hoạt động khu vực Bắc Biên Đông và khu vực Hoàng Sa 35 tàu/184 người; hoạt động khu vực khác 8.595 tàu/47.917 người; neo đậu tại các bến: 58.218 tàu/259.721 người). Ngoài ra, không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển phòng tránh.