Cụ thể, ngày 5/7, trên các tuyến sông ở xã Tân Trung và xã Tạ An Khương lại xuất hiện hiện tượng cá chết. Những người dân sống nơi đây cho biết, hiện tượng cá chết thường xảy ra vào thời điểm nước kém (rạng sáng các ngày từ 8 - 10 và 23 - 25 âm lịch), khi đó nước sông có mùi hôi, xám đen và người dân khi lấy nước vào vuông tôm, thủy sản bị chết.
Ông Thái Hoàng Bo cho biết, do nguồn nước như thế nên các hộ dân khu vực này hạn chế lấy nước vào vuông tôm dẫn đến việc nuôi trồng thủy sản của người dân gặp khó khăn. Đặc biệt, một số hộ dân không thể sản xuất do không lấy nước vào vuông tôm nuôi, gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. Do đó, các hộ dân thuộc hai xã trên mong muốn được giải quyết dứt điểm tình trạng này.
UBND huyện Đầm Dơi đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động, thuyết phục các hộ dân chờ kết quả từ cơ quan chuyên môn để tìm nguyên nhân, cũng như kết quả xử lý của cơ quan chức năng. Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường có kết quả lấy mẫu nước, UBND tỉnh Cà Mau có công văn chỉ đạo Sở này phối hợp cùng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tiếp tục tiến hành kiểm tra rà soát kỹ, xem đơn vị nào, doanh nghiệp nào gây ô nhiễm để xử lý. Hiện người dân đã cung cấp mẫu cá chết gửi về Chi cục Bảo vệ Môi trường để xét nghiệm, tìm nguyên nhân.
Trước đó, UBND huyện Đầm Dơi đã có báo cáo về tình hình nguồn nước sông ô nhiễm nặng dẫn đến thủy sản bị chết trên sông Gành Hào và sông Mương Điều thuộc hai xã Tân Trung, Tạ An Khương.
Theo đó, từ tháng 11/2016, sông Gành Hào bắt đầu xảy ra hiện tượng cá chết. Đến ngày 24/4/2017, tiếp tục xuất hiện cá chết dọc theo tuyến sông Bảy Háp, Mương Điều, Gành Hào, thuộc hai ấp Trung Cang và Thành Vọng của xã Tân Trung. Đến ngày 5/6/2017, nước trên các tuyến sông Gành Hào, Mương Điều có mùi hôi thối, nước sông có màu đen xám và xuất hiện cá chết trên những tuyến sông này.
Gần đây nhất là vào ngày 20/6/2017, tại khu vực sông Bảy Háp, kênh Tám Luông và các tuyến sông, kênh thuộc ấp Trung Cang, ấp Thành Vọng lại xuất hiện cá chết hàng loạt. Khi đó, nước trên các tuyến sông, kênh trên có màu đỏ gạch, đen và mùi rất tanh. Người dân tại các khu vực này hầu hết đều nuôi tôm, do đó, khi người dân lấy nước vào vuông nuôi đều bị ảnh hưởng.
Trước tình trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường… tiến hành khảo sát thực tế trên tuyến sông Gành Hào, sông Bảy Háp và kênh Lương Thế Trân. Tuy nhiên, theo báo cáo kết luận, cá chết do ô nhiễm môi trường là chưa đủ cơ sở khẳng định.
Bởi theo báo cáo, do thời điểm khảo sát và lấy mẫu không trùng thời điểm cá chết (sau thời gian cá chết hơn 5 ngày) nên tổ công tác không thể lấy mẫu cá xét nghiệm để có thêm cơ sở xác định nguyên nhân, vì vậy việc nghi ngờ môi trường bị ô nhiễm gây cá chết là chưa đủ cơ sở khẳng định.
Qua kết quả phân tích mẫu nước của Trung tâm Kỹ thuật - Công nghệ - Quan trắc Tài nguyên - Môi trường, hầu hết các thông số môi trường đều vượt giới hạn quy định so với giá trị bảo tồn động vật thủy sản của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mặt nước. Cụ thể, chất lượng mặt nước trên các tuyến sông khảo sát bị ô nhiễm hữu cơ như các thông số BOD5, COD, Amoni có giá trị khá cao, đặc biệt là hàm lượng oxy hòa tan (DO) trên tuyến sông Gành Hào (đoạn ngã ba Hòa Trung đến ngã ba Vàm Mương Điều) vào ngày 6/6 rất thấp.
Theo đánh giá của các đơn vị chuyên môn, kết quả thông số phân tích mẫu nước có ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản cũng như sức khỏe động vật thủy sản và gây độc cho thủy sản và tôm cá. Nguyên nhân chất lượng mặt nước ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt khu dân cư không được xử lý thải trực tiếp ra môi trường; các cơ sở sản xuất ở Khu công nghiệp Hòa Trung, ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân và thành phố Cà Mau xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu ra môi trường.