Chung cư vẫn phớt lờ quy định phòng cháy, chữa cháy: Người dân bất an

Sau vụ cháy gây thiệt hại nặng tại chung cư Carina (TP Hồ Chí Minh) hồi tháng 3, các cơ quan chức năng đã quyết liệt ra quân kiểm tra, phát hiện, xử lý chung cư vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên đến nay, một số chung cư vẫn chây ì, trì hoãn khắc phục sai phạm.

Cắt điện, cắt nước

Qua kiểm tra, Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp Discovery Complex tại quận Cầu Giấy, Hà Nội bị phát hiện còn nhiều tồn tại về PCCC, chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng chủ đầu tư đã đưa một số hộ dân vào sinh sống.

Cảnh sát PCCC Hà Nội đã yêu cầu Công ty Điện lực thành phố và Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội tạm ngừng cấp điện, nước cho công trình này, yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục. Trước đó vào tháng 4, tòa chung cư này đã bị cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm trong công tác PCCC nhưng đến nay các sai phạm đó vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn PCCC tại chung cư HH Linh Đàm, Hà Nội.

Tương tự, tổ hợp dịch vụ thương mại, văn hóa, thể thao, nhà ở và văn phòng cho thuê Mandarin Garden 2 ở Tân Mai, quận Hoàng Mai cũng có nhiều vi phạm về PCCC nhưng chủ đầu tư đã cho cư dân vào ở. Đoàn kiểm tra của Cảnh sát PCCC Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc đưa các hộ dân vào ở, khẩn trương khắc phục các tồn tại về PCCC cho đến khi được cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về PCCC.

Cảnh sát PCCC Hà Nội đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời có văn bản gửi Công ty Điện lực Hoàng Mai, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai đề nghị không cung cấp điện, nước cho công trình.

Tuy nhiên, biện pháp cắt điện, cắt nước của chung cư vi phạm chưa phải là giải pháp có thể đem lại hiệu quả. Một số người dân đang ở các tòa chung cư này đề nghị cơ quan chức năng phải có biện pháp cứng rắn với chủ đầu tư bởi nếu cắt điện, nước thì cư dân sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Các cư dân chỉ có thể tố cáo chủ đầu tư vô trách nhiệm và nhờ cơ quan chức năng can thiệp.

Theo Cảnh sát PCCC Hà Nội, đến đầu tháng 6/2018, TP Hà Nội có 89 công trình nhà cao tầng tồn tại, vi phạm về PCCC. Mặc dù Cảnh sát PCCC đã kiểm tra, công khai danh sách, yêu cầu sớm khắc phục nhưng nhiều công trình vẫn chây ì, thậm chí bất chấp nguy hiểm cho cư dân vào ở khi chưa được nghiệm thu về PCCC.

Tại TP Hồ Chí Minh, tình hình cũng rất đáng lo. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, sau vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chung cư Carina Plaza, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các sở, ngành đã vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh công tác PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng. Tuy nhiên, cho đến giữa tháng 6 vẫn còn 7 chung cư chưa có hệ thống PCCC (trong số 12 chung cư đã kiểm tra năm 2016).

Tại sao chưa mạnh tay?

Hơn 3 tháng sau vụ cháy kinh hoàng tại chung cư Carina, tình trạng mất an toàn cháy nổ chung cư vẫn chưa thay đổi triệt để dù trước đó, UBND các TP Hà Nội và Hồ Chí Minh đã chỉ đạo kiên quyết xử lý rốt ráo, triệt để khắc phục những sai phạm để bảo đảm an toàn cho người dân. Điều này khiến các hộ dân sống tại chung cư rất băn khoăn, lo lắng.

Nhiều chung cư quy mô lớn nhưng lại không đảm bảo quy định về phòng cháy.

Hiện nay, chi phí để hoàn thiện hệ thống PCCC chiếm khoảng 2% tổng vốn đầu tư công trình. Đối với chung cư quy mô vừa, chi phí này ước tính khoảng 15 - 20 tỷ đồng. Trong khi đó, mức xử phạt hiện nay đối với hành vi vi phạm về PCCC trong đầu tư, xây dựng theo Nghị định 52/2012/NĐ - CP chỉ từ 10 - 30 triệu đồng. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến chủ đầu tư phớt lờ các quy định về PCCC.

Theo Đại tá Trần Văn Vụ, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, có nhiều trường hợp chủ đầu tư muốn khắc phục nhưng không có kinh phí. Hơn nữa, nhiều chung cư đã xây dựng được hơn chục năm nên khó sửa chữa, lắp đặt lại hệ thống PCCC.

Tính đến nay, có khoảng 50% trong số các công trình nhà cao tầng vi phạm, chủ đầu tư đã lên phương án khắc phục, những đơn vị còn lại tiếp tục cam đoan sẽ bổ sung hệ thống PCCC.

Theo đại tá Vụ, giải pháp cứng rắn trước việc chủ đầu tư chây ì khắc phục là chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý. UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Xây dựng không cấp phép xây dựng khi công trình chưa được cơ quan Cảnh sát PCCC cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC; không nghiệm thu và cấp văn bản nghiệm thu chất lượng công trình khi chưa được cấp văn bản nghiệm thu PCCC.

Người dân vẫn đang trông chờ những giải pháp mạnh tay hơn nữa của cơ quan chức năng bởi nếu không, các chủ đầu tư sẽ tiếp tục chây ì vì họ đang “nắm đằng chuôi” và người mua nhà vẫn là người chịu thiệt.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Sau năm 2019, các cơ sở không đảm bảo về PCCC sẽ bị đình chỉ hoạt động
Sau năm 2019, các cơ sở không đảm bảo về PCCC sẽ bị đình chỉ hoạt động

Sau năm 2019, các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực, nếu chưa đáp ứng quy định sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN