Chương trình bình ổn giá thuốc chưa ổn

Chương trình bình ổn giá thuốc tại TP Hồ Chí Minh nhằm giúp người dân giảm bớt gánh nặng trong chi phí điều trị bệnh và nhằm quảng bá thuốc Việt đến người dân Việt Nam. Nhưng sau gần hai tháng thực hiện, chương trình này vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả.

Cửa hàng thuốc Nhà Bè tham gia bán thuốc bình ổn giá. Ảnh: Phương Vy-TTXVN



Thuốc nội diện bình ổn chiếm tỉ lệ thấp

Trong tổng chi phí của bệnh viện thì chi phí cho tiền thuốc chiếm từ 60 -70%, trong khi đó chi phí lý tưởng chỉ là 20 – 30%. Nguyên nhân của vấn đề trên là do việc sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện tuyến dưới của thành phố chỉ chiếm khoảng 50%, còn tại các bệnh viện tuyến trên và các bệnh viện đa khoa tỷ lệ này còn thấp hơn. Ví dụ như ở Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Ung Bướu, tỷ lệ này chỉ có 5%. Điều này cho thấy, ở bệnh viện tuyến dưới, do bị hạn chế danh mục thuốc nhập khẩu nên tỷ lệ sử dụng thuốc nội cao, trong khi các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là bệnh viện chuyên khoa sâu thì càng yêu cầu thuốc đặc trị; mà đây chưa phải là thế mạnh của ngành dược trong nước.

Bệnh nhân và bác sỹ vẫn chuộng thuốc ngoại. (ảnh minh họa)


Bà Phạm Khánh Phong Lan – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhìn nhận: “Sở dĩ thuốc nội còn chưa thu hút được người dân và chiếm tỉ lệ thấp trong các bệnh viện là do tâm lý “sính ngoại” của cả người kê đơn lẫn người sử dụng. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp chỉ chú trọng sản xuất thuốc thông thường về cả hoạt chất lẫn loại bào chế, đầu tư sản xuất mới chỉ đơn giản là nhập nguyên phụ liệu về bào chế thành chế phẩm, chưa quan tâm đến các nghiên cứu về tính tương đương sinh học, các dữ liệu khoa học để thuyết phục bác sỹ”.

Trước sự biến động của giá thuốc, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chủ trương đưa mặt hàng đặc biệt này tham gia vào chương trình bình ổn giá. Chương trình này đã được triển khai ở 508 điểm bán với 40 loại thuốc đạt chất lượng do 4 công ty dược Glomed, F.T.Pharma, Euvipharm và Domesco sản xuất, gồm: Giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, nhỏ mắt, trị ho, chống dị ứng, trị đau dạ dày, trị tiêu chảy, tim mạch, tiểu đường, kháng sinh – Sulfamid, kháng viêm Corticoid… Số nhà thuốc tham gia chương trình bình ổn lần này chiếm 3/4 thị phần của thành phố. Nhà thuốc đăng kí bán hàng bình ổn sẽ phải bán theo đúng giá bán lẻ ấn định trong cả năm. Trong trường hợp giá nguyên liệu có biến động, việc điều chỉnh giá sẽ được xem xét nhưng vẫn đảm bảo giá bán tại các nhà thuốc trong chương trình bình ổn giá sẽ thấp hơn 10% so với thị trường. Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục vận động thêm các doanh nghiệp để có thể mở rộng hơn nữa số lượng các doanh nghiệp tham gia vào chương trình bình ổn cũng như là mở rộng thêm các danh mục thuốc nội được bình ổn.

Đỏ mắt tìm thuốc bình ổn

Đây là một chương trình thật sự có ý nghĩa vì nó sẽ giúp người bệnh giảm bớt chi phí điều trị. Hiện chương trình đã được áp dụng rộng rãi ở các nhà thuốc bệnh viện và nhà thuốc tư nhân. Theo quy định bán hàng bình ổn thuốc tân dược, các điểm bán phải niêm yết giá bình ổn đảm bảo thấp hơn 10% so với thị trường, treo logo thuốc bình ổn, để người dân được tiếp cận với thuốc giá bình ổn. Nhưng làm sao để người bệnh mua được thuốc bình ổn và tin tưởng trong sử dụng thuốc bình ổn thì vẫn còn nhiều bất cập.

Rất ít hiệu thuốc treo logo bán thuốc bình ổn giá.


Theo ghi nhận của phóng viên, sau gần 2 tháng thực hiện chương trình bình ổn giá thuốc, người dân "đỏ mắt" cũng khó tìm được hiệu thuốc nào có biển báo bán thuốc bình ổn giá. Nếu có thì cửa hàng cũng để logo quá nhỏ, người tiêu dùng khó nhận biết. Đồng thời, trong những đơn thuốc của các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, khi bác sĩ kê toa thì chỉ kê tên thuốc (có thể là thuốc ngoại) chứ không ưu tiên kê các loại thuốc nằm trong nhóm được bình ổn. Hơn nữa, khi bệnh nhân đi mua thuốc thì nhà thuốc hiếm khi tư vấn, hay bán những loại thuốc trong nhóm bình ổn mà chỉ căn cứ vào toa thuốc của bác sĩ hay là “thích” bán loại thuốc nào thì bán khi khách hàng mua không theo toa.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá giữa đồng đôla Mỹ và đồng Việt Nam, giá các nguyên liệu, bao bì cho sản xuất thuốc trong nước tăng, kéo theo giá thành tăng. Theo Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược, trong tháng 6 tới, giá các mặt hàng nguyên liệu vẫn tiếp tục ổn định, nhưng giá thuốc sản xuất trong nước có thể tăng do giá các yếu tố đầu vào cho sản xuất như điện, xăng dầu, chi phí vận tải… đều tăng.

Chị Nguyễn Thị Loan ở đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10, cho biết: “Khu vực này tập trung khá nhiều nhà thuốc nhưng tìm mãi mới thấy một nhà thuốc bình ổn giá. Tuy nhiên, khi tới hỏi loại thuốc trị đau dạ dày có trong danh mục thuốc bình ổn không thì chủ nhà thuốc lắc đầu và giới thiệu cho tôi những loại thuốc khác. Cụ thể như, loại thuốc omeprazol có trong chương trình bình ổn giá chỉ khoảng hơn 700 đồng/viên, nhưng người bán thuốc lại giới thiệu cho tôi mua cũng loại này nhưng của nước ngoài sản xuất với giá hơn 2.000 đồng/viên”.

Đại diện Công ty Euvipharm cho biết: Đến nay, công ty chưa có thống kê cụ thể sau gần hai tháng tham gia chương trình. Nhưng theo đánh giá ban đầu, lượng thuốc tham gia bình ổn bán ra thị trường không đáng kể, trong tháng tới công ty sẽ cố gắng đưa ra nhiều hơn.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, chương trình bình ổn giá thuốc nhắm chủ yếu đến bệnh nhân ngoại trú. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Y tế, hiện gần 50% bệnh nhân đến khám và điều trị tại TP Hồ Chí Minh là người dân các tỉnh. Các chuyên gia y tế băn khoăn không biết bao nhiêu phần trăm thuốc bình ổn giá đến tay người dân thành phố?

>>Ý KIẾN:

Bác sỹ Nguyễn Thị Lan, Phó Phòng Y tế Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh: 
Tuyên truyền để tạo niềm tin vào thuốc nội


Để chương trình bình ổn giá thuốc thật sự hiệu quả thì phải vận động người dân tin vào thuốc nội mà hạn chế việc sử dụng thuốc ngoại. Bên cạnh đó, thuốc Việt Nam sản xuất phải thực sự có chất lượng thì người dân mới có niềm tin mà dùng thuốc bình ổn. Để có được niềm tin của người dân thì từ bác sỹ khám bệnh, bác sỹ kê toa, dược sỹ phải là người tư vấn cho người bệnh nên dùng thuốc nào thuốc nội nào chất lượng tương đương thuốc ngoại…Bên cạnh đó, các tiệm thuốc phải ghi tên loại thuốc, giá thuốc, nơi sản xuất thuốc để người dân có nhiều sự lựa chọn, tránh tình trạng dược sỹ bán thuốc nào người bệnh mua thuốc đó. Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác truyền thông đến tận phường, xã khu phố, tổ dân phố để người dân nhận thức được thuốc bình ổn là như thế nào.
 
Ông Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch hội tiêu dùng TP Hồ Chí Minh: Khâu quản lý còn lỏng lẻo

Việc đưa mặt hàng thuốc vào chương trình bình ổn giá, theo tôi nghĩ sẽ kém hiệu quả vì nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc tăng giá thuốc là do khâu quản lý của chúng ta lỏng lẻo. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, giá thuốc phải được đăng ký, kê khai theo đúng giá trị thực; đồng thời phải tăng cường kiểm soát mặt hàng này từ khâu sản xuất đến lúc bán ra thị trường, đặc biệt là việc niêm yết giá.

Bác sỹ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh: Phát huy hiệu quả ở nhà thuốc bệnh viện

Hiện nhà thuốc bệnh viện cũng tham gia vào chương trình bình ổn giá thuốc theo đúng chủ chương của Sở Y tế đề ra. Đây thực sự là một chương trình hay, bởi người bệnh sẽ được hưởng nhiều lợi ích và tiết kiệm được chi phí tiền thuốc chữa bệnh. Mặt khác, khi áp dụng chương trình này vào các bệnh viện chắc chắn những hộ nghèo khi khám chữa bệnh tại đây sẽ được ưu tiên mua thuốc bình ổn.


Đan Phương thực hiện
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN