Thường xuyên có mặt tại các phiên giao dịch việc làm, ông Nguyễn Văn Tám, chuyên viên Phòng tổ chức, tuyển dụng Công ty TNHH Dệt Vĩnh Phúc cho biết, nhu cầu tuyển nhân lực cho công ty đang gia tăng. "Sau Tết, dịch COVID-19 bùng phát, hơn 50% nhân lực công ty xin nghỉ do là F0, F1. Chúng tôi phải xoay xở rất nhiều để đáp ứng được các đơn hàng. Hiện chúng tôi đang rất cần lao động để bổ sung vào nguồn nhân lực cho công ty" - ông Tám nói.
Để có thể giữ chân người lao động, công ty này đã hỗ trợ 100.000 đồng/ngày cho công nhân là F1, F0. Khi được hỏi giải pháp cho công ty ở thời điểm hiện tại, ông Tám cho biết công ty ông đã phải đi gia công sản phẩm ở các phân xưởng khác đồng thời giảm sản lượng sản xuất.
“Một ngày chỉ có 24 giờ. Sức người có hạn, chúng tôi không thể tăng số giờ làm thêm cho công nhân được. Vì vậy, chúng tôi phải bắt buộc giảm sản lượng để không tạo áp lực cho nhân công và số người lao động còn lại”, ông Tám cho hay.
Còn theo bà Vũ Thị Hạnh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự công ty Thuận Phát INC, chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, số ca mắc F0 liên tục gia tăng gần đây nên đơn vị phải tuyển thêm lao động bù đắp cho sản xuất. Nếu tính cả ca mắc đã khỏi rồi đi làm thì số lao động F0 chiếm khoảng 35% tổng số lao động. Do đó, Công ty tuyển 50 vị trí việc làm, trong đó có 30 vị trí là công nhân. Lương công nhân tầm 8-10 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Hương, chuyên viên tuyển dụng Công ty Cổ phần Cơ khí Đông Anh LiCoGi cho biết, hiện đơn vị có hơn 6.000 lao động và đang có nhu cầu mở rộng sản xuất, vì thế có nhu cầu tuyển dụng thêm tới hơn 100 lao động. Không chỉ vậy, tính từ đầu năm 2022, công ty này đã có 252 lao động là F0, 150 lao động là F1. Với số lượng nhân lực là F0, F1 tăng chóng mặt, công ty này cũng phải chật vật tìm lao động.
“Mức lương công nhân từ 10 triệu đồng/tháng, kế toán từ 12-14 triệu đồng/tháng. Dù chế độ đãi ngộ tốt nhưng tuyển lao động thời điểm này khó khăn. Giải pháp mà chúng tôi đang thực hiện là chia nhân lực theo phân xưởng, huy động nhân lực từ phân xưởng này sang phân xưởng khác. Lượng công nhân là F0 tăng liên tục trong khi lượng đơn hàng vẫn liên tục tăng. Do đó chúng tôi phải duy trì bằng mọi cách và tiếp tục tuyển lao động bổ sung", bà Nguyễn Thu Hương cho biết.
Theo ghi nhận của công đoàn cơ sở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang…, số lao động F0, F1 đang gia tăng và ảnh hưởng nhiều đến sản xuất dẫn đến thiếu lao động.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp hội viên, đa số doanh nghiệp báo cáo lao động F0 chiếm tới 45% tổng số lao động (gồm cả số đã mắc và khỏi); có doanh nghiệp số lao động là F0 chiếm trên 55%. Lao động mắc COVID-19 nhiều nhất là khối sản xuất do làm việc tập trung, phòng lại khá kín.
“Hiện nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị bỏ cách ly F1 vì thực tế F1 mới là nghi nhiễm và không có triệu chứng. Lao động là F1 nghỉ hiện không có chế độ hỗ trợ. Trong khi F0 nghỉ còn có chế độ hỗ trợ 75% lương theo chế độ ốm đau từ bảo hiểm xã hội”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Mới đây, trong đề xuất của Bộ Y tế xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19. Còn F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến.