Có gần 20 nhà báo đến từ các cơ quan báo chí như: Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Nhân dân, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, VOV, Tạp chí Biển Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, cùng tham gia tác nghiệp trong suốt hải trình.
Với nhà báo, tác nghiệp trên đất liền vốn đã phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng tác nghiệp giữa bao la trùng khơi còn khó khăn hơn, đòi hỏi sự quyết tâm cao của người cầm bút.
Nhà báo Hà Minh Hảo, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng là cái tên “hot” nhất trong đoàn, bởi chị luôn chịu “thiệt” so với các đồng nghiệp là "không biết" say sóng để được quan tâm; bởi chị luôn một mình thoắt ẩn thoắt hiện, miệt mài tác nghiệp gửi những hình ảnh chân thực, sinh động nhất về đất liền sớm nhất. Hà Minh Hảo may mắn đi biển 3 lần trên tàu CSB 8004. Hai lần chị tham gia vào các chuyến tuần tra chung trên biển, nhất là lần cuối tháng 4 vừa qua, mới thấy hết vất vả của anh em nhà tàu và cánh phóng viên. Chuyến đi này sóng to, gió lớn, hầu hết phóng viên bỏ bữa ngay trong bữa cơm chiều đầu tiên... Tuy bị say như thế nhưng khi tác nghiệp đều không thấy vắng phóng viên.
Nhà báo Hà Minh Hảo chia sẻ, giữa trùng khơi mênh mông, nhìn thấy hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trong thẳm xanh của đất trời và biển cả, trong chị lại trào dâng một cảm xúc mãnh liệt, thôi thúc chị viết tiếp, viết nhiều hơn nữa về chủ quyền biển đảo; về sự hy sinh, gian nan của những người lính biển nơi đầu sóng. Mỗi trang viết như một thông điệp gửi đến mỗi người dân Việt hãy chung sức, đồng lòng gìn giữ chủ quyền, từng bước xây dựng Vịnh Bắc Bộ thành vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị. “Nhà báo chính là người nối liền đảo với bờ, không còn khoảng cách. Cứ đi để viết, cứ trải nghiệm để thêm yêu. Tình yêu nghề, tình yêu biển đảo quê hương không bao giờ vơi cạn” - nhà báo Hà Minh Hảo nói.
Tham gia cùng đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam đợt này có nhà báo Nguyễn Viết Tôn, báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam. Anh Nguyễn Viết Tôn cho biết, đi biển vào mùa gió chướng hay trong ngày biển động đòi hỏi phóng viên phải có sức khỏe mới chịu được sóng to gió lớn. Chống chọi với những trận say sóng đã khó, viết được tin, bài và làm phóng sự ảnh, phóng sự truyền hình gửi về cơ quan còn khó hơn. Sau những lần “chậu một bên và máy tính một bên”, nhà báo Nguyễn Viết Tôn vẫn miệt mài những đêm trắng để “canh sóng” điện thoại, đều đặn gửi tin, bài về tòa soạn. Chủ đề về biển đảo của nhà báo Nguyễn Viết Tôn luôn được Ban biên tập đánh giá cao. Nhà báo Nguyễn Viết Tôn tâm sự: “Vẫn biết mùa này biển động, dẫu sóng to, gió lớn, hải trình sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi - những người làm báo Thông tấn vẫn quyết tâm kết nối yêu thương, mang tình cảm của đất liền đến với hải đảo xa xôi.”
Bằng những tin, bài, ảnh, phóng sự truyền hình, nhóm phóng viên báo Tin tức và cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hải Phòng đã chuyển tải chân thực về cuộc sống đời thường; về sự kiên cường “không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh” của người lính Cảnh sát biển trong việc đồng hành cùng ngư dân, gìn giữ bình yên biển trời, hải đảo thiêng liêng.
Cùng đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam đợt này còn có nhà báo Hoàng Thị Huệ - nữ Tổng Biên tập Tạp chí Biển Việt Nam say mê đề tài biển đảo. Được gặp chị trên con tàu CSB 8004 trong chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ năm 2019 của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc, mới thấy hết được sự nhiệt huyết, tình yêu lớn lao của chị dành cho biển đảo. Lênh đênh trên biển nhiều ngày, ăn uống sinh hoạt tập thể nhiều bất tiện, nắng gió biển khơi, rồi những cơn say sóng chếnh choáng, bưng bát cơm mà như sắp rơi xuống đất… Nhưng những vất vả ấy dường như không làm cho nữ nhà báo chùn bước. Chị vẫn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để ghi lại những khoảnh khắc vô giá này.
Theo nhà báo Hoàng Thị Huệ, vượt qua những khó khăn ấy, trong từng chuyến hải trình, chị đã nỗ lực mang đến những tác phẩm báo chí phản ánh thật sinh động, hấp dẫn về cuộc sống, sinh hoạt, tâm tư tình cảm của quân, dân nơi đảo xa. Đó là một cuộc sống không quản gian khổ, hy sinh, trọn vẹn nghĩa tình để canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Đó là tình cảm của đất liền với những người lính đảo, là phút giây gặp gỡ vỡ òa trong cái bắt tay thật chặt. Vất vả là thế nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi. Với chị Huệ, hành trang mang theo không chỉ là những thiết bị tác nghiệp mà hơn hết là tấm lòng, tình cảm của mình với quân dân nơi đảo xa; là sự cảm phục trước cuộc sống khắc nghiệt in hằn trên làn da của người lính; là sự biết ơn và tiếc thương về những người anh hùng đã ngã xuống để giữ đảo.
Dẫu biết trước được những gian truân trên hành trình ra đảo nhưng những trang viết về biển đảo Tổ quốc sẽ chẳng bao giờ vơi cạn, vẫn luôn tươi mới qua từng góc nhìn, cách viết. Đối với các nhà báo hay nữ nhà báo Hoàng Thị Huệ, biển đảo quê hương không chỉ hiển hiện trong từng câu, chữ mà còn hiện diện vô hình và thật sâu lắng trong trái tim và tâm thức, để rồi từ đó tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho những người làm báo trong mỗi trang viết về lính canh trời và thêm tự hào, trân quý hơn về nghề mình đã chọn.
Thượng tá Lê Huy, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 cho rằng, sau chuyến kiểm tra cuối cùng theo kế hoạch của Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam-Trung Quốc này sẽ lại là một hành trình mới của Biên đội tàu 8003, 8004... Và qua những trang viết, thước phim, hình ảnh ghi lại những chiến công giữ gìn an ninh trật tự trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, niềm tin, uy tín của lực lượng cảnh sát biển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” tiếp tục thắp sáng, được nhân lên và được khẳng định. Hơn thế nữa, qua những trang viết ấy, lòng tự hào dân tộc, tình yêu biển đảo, quê hương trong mỗi chúng ta không ngừng được nhân rộng và lan tỏa.