Trong khi người dân than phiền bị nhiễm điện do đường cao thế 220 KV tại xã Nhân Sơn (Đô Lương - Nghệ An) thì nhà quản lý lại nói chưa nhận được đơn đề nghị, phản ánh.
Bút điện chỉ vào không khí cũng đỏ
Từ khi có đường điện cao thế 220 kV kéo từ Bản Vẽ về đi qua khu vực xóm 4 và xóm 9 xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã gây ra hiện tượng nhiễm điện nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe của trên 30 người thuộc 8 hộ dân. Cử tri xã Nhân Sơn đã có văn bản đề nghị ngành điện kiểm tra cụ thể tình trạng nhiễm điện của 8 hộ dân nói trên để có biện pháp di dời. Tuy nhiên, gần 6 tháng trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa có một động thái nào.
Vào một buổi chiều cuối tháng 3/2010, như thường lệ sau mỗi buổi đi học về, em Phan Văn Ba (11 tuổi) lại nhảy lên vuốt dọc dây phơi quần áo (dây điện cũ bị hỏng) ngoài sân nhà (một trò chơi nhảy cao để tập thể dục của em), vừa chạm vào dây thì em đã bị bổ ngã nhào xuống đất, ngay sau đó chạy vào nhà bảo với bố mẹ là “con bị điện giật”. Ban đầu, vợ chồng anh Phan Dũng (bố em Ba) không tin, cứ ngỡ con mình “nói nhảm”. Hôm sau, bà Võ Thị Thơi (70 tuổi), sát vách nhà anh Phan Dũng trong lúc phơi quần áo thì có một luồng điện chạy qua tay, rồi đến người, rung quá bà ngã nhào, tay chân tê hết.
Kế tiếp, mỗi khi trời mưa, các thiết bị liên quan đến điện như ti vi, đài cát sét, quạt của 8 hộ dân nằm dưới hành lang lưới điện cao thế đều bị nhiễu sóng hay khi chạm tay vào đều bị giật. Cùng lúc đó, đường dây 220 kV ở trên nhà phát ra tiếng “ro ro” như xe ô tô chạy. “Biểu hiện rõ nhất là từ 5 giờ chiều hoặc vào ban đêm, chúng tôi chỉ cần giơ bút thử điện chỉ vào không trung, không chạm vào bất cứ một thứ đồ đạc nào hết, bút cũng đỏ rực”, ông Võ Hữu Giáp nói.
Khi người dân phát hiện ra hiện tượng nhiễm điện, đó cũng là thời điểm tổ máy số 1 của công trình thủy điện Bản Vẽ hòa vào lưới điện quốc gia với công suất khoảng 100 MW. Hai tháng sau đó, tổ máy số 2 cũng hòa vào lưới điện quốc gia với công suất tương tự trong những giờ cao điểm. “Chỉ mới chạy 2 tổ máy trong thời gian ngắn thôi mà người già chúng tôi thường xuyên bị đau đầu, chân tay nhức mỏi, trẻ con thì khiếp sợ, sức khỏe giảm sút hẳn”, bà Trần Thị Thanh than phiền.
Chính quyền chưa nhận được đề nghị
Theo quy định tại điều 6 Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp thì: Điều kiện để nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đến 220 kV là khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn gần nhất khi dây ở trạng thái tĩnh không được nhỏ hơn khoảng cách là 6 m. Cường độ điện trường <5 kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất một mét và <1 kV/m tại điểm bất kỳ bên trong nhà cách mặt đất một mét.
Trên thực tế, theo quan sát của chúng tôi và khẳng định của những hộ dân ở đây, độ võng của đường dây dẫn cách nhà ở chỉ khoảng 5 m. Bởi vậy mới xảy ra hiện tượng nhiễm điện trong thời gian qua.
Quá lo sợ và ảnh hưởng đến sức khỏe hàng ngày, 8 hộ dân của xóm 4 và xóm 9 xã Nhân Sơn đã có đơn kiến nghị lên Hội đồng nhân dân xã, huyện và tỉnh về vấn đề này. Thế nhưng, đã gần 6 tháng trôi qua vẫn chưa thấy nhân viên của Công ty Truyền tải Điện Nghệ An (đơn vị tiếp quản) từ Ban quản lý dự án Điện miền Bắc về đường điện cao thế 220 kV đến kiểm tra tình hình. “Nếu thời gian tới chạy tiếp tổ máy nữa, chắc chúng tôi không sống nổi. Mong các cấp đến kiểm tra, xem xét và bố trí tái định cư cho chúng tôi”, ông Giáp đề nghị.
Đem thực trạng trên đến hỏi ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Truyền tải Điện Nghệ An thì chúng tôi nhận được câu trả lời: “Chưa nhận được đơn thư đề nghị nào cả”.
Ông Sơn còn khẳng định: “Là đơn vị tiếp quản lâm thời từ 1/3/2010 đến nay, từ khi chúng tôi nghiệm thu đường dây để đưa vào sử dụng đều đảm bảo theo quy trình quy phạm, không thể có những hiện tượng như người dân phản ánh. Còn nếu có hiện tượng nhiễm điện thực thì chúng tôi cũng phải nhận được đơn thư đề nghị của người dân, căn cứ vào đơn thư đó, chúng tôi mới xuống hiện trường để kiểm tra, thu thập các thông tin, làm báo cáo để gửi ra Tổng công ty Truyền tải Điện I, sau đó họ mang thiết bị vào đo lại cường độ điện trường có tác hại đến đâu rồi mới có biện pháp khắc phục. Còn việc di dời, tái định cư là rất khó”.
Đơn đã được gửi đi mấy tháng trời nhưng vẫn chưa đến tay người nhận. Và trong lúc chờ đợi, 8 hộ gia đình với trên 30 con người hàng ngày vẫn sống chung với sự nơm nớp lo sợ điện giật, sức khỏe ngày càng sa sút.