Đó là khẳng định của ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế tại Hội thảo “Y tế thông minh trong thời đại 4.0” do Bộ Y tế tổ chức ngày 19/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Trần Quý Tường, nhận thức rõ vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế đã xây dựng đề án phát triển y tế thông minh với 3 trụ cột chính là: phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Để phát triển y tế thông minh cần có một cơ sở pháp lý để ứng dụng và phát triển y tế thông minh. Bên cạnh đó, nước ta phải đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia và hạ tầng kỹ thuật cho phát triển y tế thông minh.
Ứng dụng, phát triển y tế thông minh trong công tác quản lý về y tế, hiện đại hóa dịch vụ công trực tuyến, góp phần hoàn thiện Chính phủ điện tử, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe thông minh, hệ thống khám chữa bệnh thông minh; ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm, trang thiết bị y tế và vắc-xin, sinh phẩm y tế….
“Nếu thực hiện được tốt những trụ cột này sẽ giúp ngành Y tế phát triển, các dịch vụ y tế sẽ hoàn thiện hơn. Người dân sẽ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế ở mọi nơi, mọi lúc, chất lượng dịch vụ cũng tốt hơn, sức khỏe người dân được bảo đảm”, ông Trần Quý Tường khẳng định.
Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh là một bệnh viện có số lượng bệnh nhân khám ngoại trú lớn của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung, những năm qua luôn quan tâm gia tăng các dịch vụ tiện ích trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại.
Bệnh viện đã triển khai đăng ký khám bệnh tự động qua ki-ốt điện tử, khách hàng không cần mất thời gian xếp hàng, chờ đợi. Không những vậy, thông qua các ki-ốt, người bệnh có thể biết được số thứ tự đang khám tại phòng khám, từ đó linh động sắp xếp thời gian, không phải ngồi đợi số thứ tự trước phòng khám như trước.
Ngoài ra, để tiết kiệm nhân sự, thời gian và chi phí in ấn, Bệnh viện đã phát hành hóa đơn điện tử toàn bệnh viện, người bệnh có thể tra cứu, nhận hóa đơn giá trị gia tăng thông qua website của Bệnh viện.
Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, một trong những thành tựu nổi bật về ứng dụng công nghệ thông tin của bệnh viện là triển khai thành công bệnh án điện tử.
Tính năng hiện đại của phần mềm mang lại sự an toàn cho người bệnh, tiết kiệm thời gian điều trị, tra cứu thông tin liên quan. Hệ thống phần mềm cũng cho phép cảnh báo các trường hợp dị ứng thuốc, tương tác thuốc, phụ nữ có thai, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, triển khai kháng sinh dự phòng, cho phép dược lâm sàng tham gia trong chỉ định sử dụng thuốc của bác sỹ điều trị...
Mặc dù mang lại lợi ích to lớn nhưng hiện nay, đa số các bệnh viện tại Việt Nam vẫn chưa sử dụng công nghệ thông tin một cách rộng rãi và đồng bộ do rào cản từ hạ tầng, thiết bị đến nhân lực.
Định hướng đến năm 2030, ngành Y tế Việt Nam sẽ xây dựng hoàn thiện môi trường pháp lý để thúc đẩy nghiên cứu, áp dụng và phát triển y tế thông minh trên phạm vi cả nước...