Giá trị phế tích trên núi Ba Vì
Tọa đàm khoa học "Phát triển giá trị phế tích của Vườn quốc gia Ba Vì" do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Tập đoàn Melia phối hợp tổ chức, diễn ra ngày 9/9/2020, tại Hà Nội; với mong muốn "đánh thức" những phế tích của mảnh đất Sơn Tây.
Tọa đàm có sự tham dự của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà nghiên cứu lịch sử, bảo tồn, kiến trúc, ngoại giao, chuyên gia quy hoạch trong và ngoài nước. Thông qua các ý kiến đóng góp tại tọa đàm, sẽ đề xuất các giải pháp bảo tồn bền vững, đầu tư phát triển tài nguyên thiên nhiên đúng pháp luật, đúng mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, phục vụ quy hoạch kiến trúc lịch sử văn hóa cũ và hiện tại cho Thủ đô Hà Nội.
Vườn quốc gia Ba Vì cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km về phía Tây, có tổng diện tích hơn 10.800 ha, là rừng nguyên sinh nhiệt đới và ôn đới bảo vệ khí quyển và điều hòa khí hậu vùng thủ đô. Quan trọng hơn, nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh và đặc biệt là sự tồn tại của gần 200 phế tich mà người Pháp đã xây dựng thị trấn cùng khu nghỉ mát cách đây gần 100 năm.
Những tư liệu lịch sử về một thị trấn sầm uất, một khu nghỉ dưỡng mà người Pháp đã dày công xây dựng tại độ cao từ 400-1.000 m, lần đầu tiên được công bố tại Tọa đàm; đã minh chứng cho việc núi Ba Vì không chỉ mang trong mình những giá trị tài nguyên rừng sẵn có, vị trí địa lý và điều kiện thời tiết khí hậu thuận lợi, thảm thực vật đa dạng và phong phủ.... mà còn chứa đựng cả một đời sống văn hóa, lịch sử, giá trị tâm linh linh thiêng cách đây gần 100 năm.
Sự tồn tại của thị trấn đó được minh chứng bởi cả trăm nền phế tích vẫn còn nguyên lớp tường đổ nát, rêu phong hoang phế, nằm rải rác giữa núi rừng Ba Vì.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra những đánh giá, đề xuất ứng xử với các công trình phế tích đang bị ngủ quên trong rừng, để cùng nhận thấy tiềm năng to lớn và giá trị văn hóa, lịch sử của các phế tích này, đề xuất TP Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan cùng "đánh thức" một thị trấn đang ngủ quên trên núi Ba Vì.
Bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn
Tọa đàm đưa ra các giải pháp đề xuất khai thác các công trình phế tích, làm sống dậy các nền phế tích, kết hợp với thảm thực vật trong Vườn quốc gia Ba Vì để phục vụ du lịch, giáo dục trực quan sinh động theo hướng: Phục dựng, chỉnh trang những không gian văn hóa - kiến trúc Pháp nguyên bản trên nền phế tích cũ; tạo lập không gian kiến trúc mới kết hợp với nền phế tích cũ hài hòa, hữu cơ với khung cảnh thiên nhiên; giữ nguyên những phế tích với cây cổ thụ ôm cuốn trên tường; xây dựng công trình mới bên cạnh phể tích cũ để tăng tính tương phản nhằm tô điểm cho quá khứ - hiện tại; đầu tư, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên một cách có nội dung và có quy hoạch.
Chia sẻ quan điểm bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn theo kinh nghiệm trên thế giới, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó. Tuy nhiên, trên thế giới, bài toán này đã có lời giải hiệu quả. Nhiều quốc gia đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để đánh thức quá khứ. Phương thức này đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để duy trì và bảo vệ các di tích.
Còn theo GS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc phát huy, khai phá, làm thức tỉnh những phế tích trong Vườn quốc gia Ba Vì để phục vụ cộng đồng được thăm quan, tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử là hướng đi cần thiết. Việc khai thác khí hậu, cảnh quan mẹ thiên nhiên đã ban tặng và bảo vệ rừng nguyên sinh cần thực hiện một cách hài hòa tích cực. Nếu đầu tư thái quá cũng không đúng, mà để yên (giữ nguyên hiện trạng) cũng không đúng. Tìm ra phương án và đường đi là nhiệm vụ của thời nay.
Tại Tọa đàm, BTC cũng đã trưng bày các hồ sơ, quyết định, bản vẽ quy hoạch, kiến trúc... người Pháp đã xây dựng tại núi Ba Vì, cùng các bức ảnh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và thơ mộng của Ba Vì.
"Cảnh sắc ấy cần được gìn giữ, bảo tồn, phát huy với những dấu tích lịch sử và tiếp tục chỉnh trang, tạo lập những không gian văn hóa - kiến trúc một cách phù hợp, hữu cơ với khung cảnh thiên nhiên vốn có; từ đó sẽ có tác dụng bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc của rừng núi Ba Vì, giúp vùng đất này mãi giữ được vẻ ngoạn mục và trường tồn cùng với thời gian", nhà bảo tồn Lê Thành Vinh cho hay.
Với chủ trương của Nhà nước nhằm kích cầu du lịch, các chuyên gia tham dự Tọa đàm đồng tâm kêu gọi các cơ quan quản lý nghiên cứu, xem xét và phát triển các tiềm năng hiện hữu tại khu vực núi Ba Vì.