Theo đó, năm 2019 là năm đầu tiên Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để truy tố theo Điều 216 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015. Tổng số tiền mà 72 đơn vị này nợ cơ quan Bảo hiểm xã hội là 132 tỷ đồng, kéo dài trong nhiều năm.
Sau khi chuyển hồ sơ, đã có 6 đơn vị hoàn tất nghĩa vụ nợ bảo hiểm xã hội, 64 đơn vị khắc phục một phần nợ, tổng số nợ thu hồi được là 46 tỷ đồng. Cũng trong năm 2019, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 134 đơn vị do vi phạm các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền xử phạt là 11,9 tỷ đồng.
Tổng số nợ mà các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh còn nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2019 là 961,124 tỷ đồng. “Lần đầu tiên trong 20 năm qua, số nợ bảo hiểm xã hội tại thành phố đã xuống dưới con số 1.000 tỷ. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn ngành bảo hiểm thành phố. Chúng tôi hy vọng số nợ đọng ngày càng giảm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, ông Phan Văn Mến cho biết.
Về bảo hiểm y tế, năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh có 7.541.000 người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ là 89,1%. Số tiền quỹ bảo hiểm y tế thu về trong năm 2019 là 12.400 tỷ đồng, dự kiến kết dư quỹ gần 1.200 tỷ đồng.
Tuy tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên tục tăng qua từng năm nhưng hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn khoảng 46% lực lượng lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội (ước tính hơn 2 triệu lao động) và hàng trăm ngàn người trong các hộ gia đình chưa tham gia bảo hiểm y tế. Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu năm 2020 phấn đấu đạt độ bao phủ bảo hiểm y tế là 91%, nâng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc lên 2.644.000, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 40.000 và số người tham gia bảo hiểm y tế là 8.250.000.