Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, theo quy luật khí hậu, tháng 2 hàng năm vẫn là tháng chính của mùa Đông. Do đó, không khí lạnh vẫn còn tác động mạnh đến nước ta. Từ giữa tháng 2 trở đi, không khí khô được thay thế bằng khối không khí ẩm. Giai đoạn này, các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ chuyển sang trạng thái mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù, trời rét về đêm và sáng.
“Hiện tượng thời tiết nồm ẩm sẽ diễn ra phổ biến ở khu vực miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội từ tháng 2 - 4 hàng năm. Trong giai đoạn nồm ẩm, độ ẩm không khí tăng cao trên 85% kèm theo mưa phùn, sương mù gây ẩm ướt nhà, các công trình dân dụng và các vật dụng thiết yếu”, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết.
Thời tiết nồm ẩm gây trở ngại cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, dị ứng, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già. Ngoài ra, thời tiết nồm ẩm cũng là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại rau vụ Xuân, nhất là bệnh sương mai, rệp muội…
Để phòng, tránh hiện tượng nồm, ẩm ướt trong nhà, các gia đình nên luôn đóng kín cửa nhà, bật điều hòa để chế độ hong khô không khí, sử dụng các vật liệu hút ẩm như báo cũ, than củi hoặc các máy hút ẩm chống nồm, lau nhà bằng giẻ lau khô...
Các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo, người dân nên làm khung ni lông che chắn cho rau màu, bón phân nhằm tăng sức đề kháng cho rau, vệ sinh đồng ruộng và để mật độ rau vừa phải, dùng thuốc phòng trừ sâu bệnh… Người dân cũng cần thường xuyên kiểm tra thăm đồng, quan sát kỹ thân lá rau, nhất là những chỗ rậm rạp để phát hiện ổ rệp và có biện pháp trừ sớm…