Bộ LĐTB&XH đang dự thảo Nghị định quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và lấy ý kiến các bên liên quan.
Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, chính sách đối với người lao động dôi dư phát sinh một số bất cập như: Không thống nhất trong cách xác định thời gian làm việc để áp dụng mức hỗ trợ, tính khoản tiền hỗ trợ; chưa quy định cụ thể thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động dẫn đến một số doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án cổ phần hóa đã thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nên không có nguồn kinh phí để chi trả chế độ cho người lao động... Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ đầu năm 2021 có một số thay đổi về: điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo lộ trình lên 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp có những thay đổi về chính sách tiền lương, trong đó sẽ bãi bỏ quy định về mức lương cơ sở trong thời gian tới.
Từ thực tế trên, Bộ LĐTB&XH cho rằng, cần thiết phải ban hành nghị định mới quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Do đó, về chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998 hoặc trước ngày 26/4/2002, Bộ LĐTB&XH đề xuất, Nhà nước đóng bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu để giải quyết chế độ hưu trí đối với lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng; chế độ trợ cấp, hỗ trợ thêm theo số năm tham gia bảo hiểm xã hội, số năm làm việc tại công ty. Đồng thời, sửa đổi tuổi nghỉ hưởng lương hưu từ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ theo lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Đồng thời, Bộ LĐTBXH đề xuất sửa đổi cách tính tiền hỗ trợ thêm cho người lao động dôi dư từ hệ số so với mức lương cơ sở sang hệ số so với mức lương tối thiểu vùng bình quân. Theo đó, đối với người lao động dôi dư được nghỉ hưu trước tuổi thì được hỗ trợ thêm 0,4 hoặc 0,2 tháng lương tối thiểu vùng bình quân cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội.
Đối với người lao động dôi dư không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưởng lương hưu trước tuổi trong doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại theo hình thức cổ phần hóa, bán, chuyển thành trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp thì được hỗ trợ 0,05 tháng lương tối thiểu vùng bình quân cho mỗi năm làm việc tại doanh nghiệp.
Trường hợp người lao động dôi dư không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưởng lương hưu trước tuổi trong doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại theo hình thức giải thể phá sản thì được hỗ trợ 0,2 tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc tại doanh nghiệp.
Đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 21/4/1998 hoặc từ ngày 26/4/2002 trở về sau, người lao động dôi dư thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Bộ luật Lao động.
Theo báo cáo của 19 bộ, ngành, 54 tỉnh, thành phố và 13 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, qua 5 năm triển khai thực hiện, khoảng 290 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại đã giải quyết chế độ cho 7.292 người lao động dôi dư với tổng kinh phí chi trả khoảng 590,156 tỷ đồng, bình quân 80,932 triệu đồng/người.