Theo dự thảo chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học (ĐDSH) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Tài nguyên Môi trường công bố hôm qua (30/10) tại Hà Nội, ĐDSH là nền tảng đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo dự thảo này, đến năm 2020, mọi thành phần trong xã hội tham gia bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH; giảm đáng kể những nguy cơ trực tiếp đối với ĐDSH; thiết lập hệ thống khu bảo tồn đáp ứng nhu cầu bảo tồn các loài, hệ sinh thái với diện tích ít nhất bằng 10% diện tích lãnh thổ trên cạn và 0,24% diện tích vùng biển…
Để thực hiện được những mục tiêu trên, dự thảo chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra các nhóm nhiệm vụ cụ thể, trong đó có xây dựng và thực thi hiệu quả thể chế quản lí thống nhất về bảo tồn ĐDSH; tăng cường năng lực quản lí nhà nước ở các cấp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; giảm tốc độ mất rừng tự nhiên, vùng đất ngập nước nội địa, rừng ngập mặn; kiểm soát hiệu quả nạn buôn bán, tiêu thụ trái phép động thực vật hoang dã…
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có ĐDSH cao trên thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú. Tuy nhiên, những năm gần đây, ĐDSH tại nước ta đang bị suy giảm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân trong đó có hoạt động phát triển kinh tế của con người.
Hoàng Dương