Điểm tựa của người nhiễm HIV/AIDS

Phòng khám ngoại trú (OPC) TP Cà Mau do dự án Quỹ Toàn cầu tài trợ được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2005 đến nay. Dự án đã trang bị cho phòng khám nhiều trang thiết bị y tế như: máy xét nghiệm CD4, máy li tâm, máy xem phim X-quang, nồi hấp tiệt trùng… và tài trợ bao cao su, bơm kim tiêm sạch, thuốc điều trị và nhiều tài liệu, tờ rơi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS.


Từ mô hình phòng khám thân thiện, nhiều người nhiễm HIV đã tìm đến phòng khám ngoại trú tại số 36 phố Lý Thái Tôn, phường 2, TP Cà Mau để được tư vấn và điều trị ARV. Anh N.V.V (sinh năm 1974), ngụ tại phường 8, TP Cà Mau từng là người nghiện chích ma tuý. Ngày 26/11/2006, anh V tìm đến phòng khám ngoại trú để hỏi xem vì sao anh bị nổi hạch ở cổ và khuỷu tay, người thì ngứa ngày càng nhiều, tiêu chảy kéo dài và bị sụt cân.

Tư vấn cho người nhiễm HIV-Ảnh internet



Các bác sĩ đã cho anh làm xét nghiệm HIV và kết quả dương tính mới làm anh giật mình hối hận. Được điều trị ARV, được các cộng tác viên, tuyên truyền viên đồng đẳng của Dự án Quỹ toàn cầu thường xuyên đến động viên tinh thần nên sức khoẻ anh V dần ổn định. Anh V nói: Giờ đây, em đã “cải tà quy chính” rồi, cố gắng làm một người chồng biết thương yêu vợ con. Cuộc sống em tạm ổn, hàng ngày em làm nghề sửa xe gắn máy, thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình.


Còn chị N.K.C (sinh năm 1984) ngụ tại xã Tắc Vân, TP Cà Mau bị lây nhiễm HIV từ chồng. Ngày 08/6/2010, chị C lên cơn sốt phải vào viện chữa trị và từ đấy chị đã phát hiện mình bị lây nhiễm HIV. Chị C chia sẻ: “Biết mình nhiễm HIV, em chỉ biết khóc suốt ngày đêm. Vừa giận chồng, vừa lo sợ HIV lây truyền sang thai nhi.


 Em đã muốn tự vẫn đi cho rảnh nợ, nhưng kịp suy nghĩ đứa trẻ trong bụng nó có tội gì mà phải chết?”. Được các bác sĩ phòng khám ngoại trú động viên, thuyết phục, chị C đã bình tĩnh lại và giữ gìn sức khoẻ để không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nhờ dùng thuốc đúng liều, đúng cữ nên sức khoẻ chị C đã hồi phục. Chị lại có thêm nguồn vui lớn nhất khi hay tin con chị xét nghiệm âm tính với HIV.


Hiện nay, Phòng khám ngoại trú TP Cà Mau đang quản lý, theo dõi hơn 270 người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó có 171 người đang được điều trị uống thuốc kháng virus (ARV). Mỗi tháng, bệnh nhân đều đến phòng khám nhận thuốc điều trị miễn phí.


Bác sỹ Trần Quang Sáng, phụ trách điều trị cho biết: “Bệnh nhân ngoài tỉnh đến xin tư vấn và xét nghiệm HIV ngày càng nhiều đã làm cho phòng khám trở nên quá tải. Hiện phòng khám ngoại trú đặt tại Bệnh viện Đa khoa TP Cà Mau, diện tích chỉ khoảng 20m 2 , nhưng phải bố trí làm nơi truyền thông, tư vấn, lấy máu xét nghiệm, khám bệnh, cấp thuốc và hoạt động hành chính. Các bác sỹ nơi đây chủ yếu là kiêm nhiệm nên thường bị động do còn phải trực cấp cứu tại bệnh viện”.


Phòng khám ngoại trú TP Cà Mau hiện có 2 bác sỹ, 1 điều dưỡng, 1 dược sỹ và 1 thư ký dự án. Phòng khám còn xây dựng được mạng lưới hơn 40 cộng tác viên và tuyên truyền viên đồng đẳng nhiệt tình, tâm huyết với công việc ở 8/15 đơn vị xã, phường của TP Cà Mau. Tuy nhiên, thù lao cho cán bộ và những người tham gia dự án còn thấp nên cũng gặp khó khăn trong hoạt động.


Một số cộng tác viên phải bỏ tiền túi đi xe ôm tiếp cận, chăm sóc người nhiễm. Tiền lương cán bộ và những người tham gia dự án quá thấp so với thực tế, nhất là đối với cán bộ làm công tác tư vấn cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có bệnh lao, mỗi tháng chỉ được hỗ trợ 40.000-60.000 đồng. Bác sỹ phụ trách khám, chữa bệnh tại phòng khám ngoại trú chỉ được hỗ trợ 330.000 đồng/tháng.


Y sỹ Trương Quang Đấu, Thư ký Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS TP Cà Mau cho biết: Điều kiện cơ sở vật chất hiện tại không thể đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động của phòng khám ngoại trú, trong khi lượng bệnh nhân đến với phòng khám ngày càng tăng.


Tuy phải chịu những áp lực lớn như vậy, nhưng phòng khám ngoại trú TP Cà Mau đã thực sự là điểm tựa cho những người nhiễm HIV/AIDS nơi đây.

Kim Há
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN