Tham dự Diễn đàn có hơn 400 nhà khoa học, doanh nhân, nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách đến từ hơn 30 quốc gia và hơn 60 doanh nghiệp trong nước.
Diễn đàn tập trung trao đổi sâu về một số khía cạnh quan trọng của Công nghệ số thông qua các tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước. Một số tham luận điển hình bao gồm: “Bí mật của công nghệ số” (diễn giả: Ông Pierre Bonnet - Giám đốc công ty Tibco Orchestra Networks Vietnam); “Thách thức của luật đối với vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trên mạng xã hội” (diễn giả: Giáo sư Jean Paul Pastorel - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Polynésie, CH Pháp); “Hợp tác giáo dục Việt Nam-châu Phi: cơ hội mới cho giáo dục Việt Nam trước những thay đổi do cuộc CMCN 4.0” (diễn giả: ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ trưởng Vụ Trung Đông và Châu Phi, Bộ Ngoại Giao Việt Nam); “Quản lý nhân sự trong thời đại số” (diễn giả: Ông Haruo Oka - Sáng lập, Tổng giám đốc điều hành của công ty ODOC, Nhật Bản); “Những thách thức mới của lĩnh vực du lịch trong kỷ nguyên số” (diễn giả: Giáo sư Yann Rival - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Du lịch khu vực Châu Đại Dương); “Kinh nghiệm khởi nghiệp tại châu Âu” (diễn giả: ông Michel Mouyssinat, Nguyên viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, Pháp)…
Ngoài ra còn có nhiều tham luận và chia sẻ của các chuyên gia nổi tiếng đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, LB Nga... Các tham luận và các trao đổi, đối thoại xung quanh các chủ đề của diễn đàn đã mang đến người tham dự một bức tranh toàn cảnh, đa chiều về sự phát triển, vai trò và ảnh hưởng của công nghệ số trong sự phát triển của kinh tế, xã hội.
Franconomics là Diễn đàn quốc tế thường niên do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) khởi xướng, được ĐHQGHN bảo trợ và Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tài trợ một phần. Franconomics là không gian đối thoại đa ngành về lý luận và thực tiễn về các chủ đề mang tính thời sự trong kinh tế – xã hội dành cho các nhà khoa học, doanh nhân, nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước, đặc biệt với sự tham gia của các quốc gia thuộc Cộng đồng Pháp ngữ trên thế giới (hơn 88 quốc gia thành viên và quan sát viên). Đây là sáng kiến của Viện Quốc tế Pháp ngữ với mục tiêu kết nối Việt Nam với cộng đồng quốc tế thông qua các hội nghị, diễn đàn thường niên bàn về các chủ đề kinh tế, xã hội nổi bật mà Việt Nam và thế giới quan tâm. Mỗi năm sự kiện sẽ được tổ chức ở một địa phương khác nhau của Việt Nam để tạo cơ hội cho địa phương quảng bá hình ảnh, văn hóa và các tiềm năng phát triển kinh tế của mình nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo cơ hội quảng bá du lịch và xuất khẩu các sản phẩm địa phương.