Doanh nghiệp đã sẵn sàng
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong tương lai. Năng lượng tái tạo sẽ góp phần xanh hóa sản xuất của doanh nghiệp, tăng xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, đồng thời đảm bảo mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải.
Theo ông Phạm Thế Tuân, Giám đốc Điều hành Công ty Sơn Hà Free Solar (Tập đoàn Sơn Hà), tập đoàn đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng từ 3-4 năm trước đây để bắt kịp xu thế của Quy hoạch điện VIII, như: thành lập Công ty CP Điện mặt trời Sơn Hà FreeSolar, các trung tâm nghiên cứu phát triển, hợp tác với các chuyên gia hàng đầu thế giới về phát triển điện năng lượng mặt trời.
"Sơn Hà đã bán hơn 20 MWp điện mặt trời mái nhà cho các công trình trong cả nước, tạo ra hàng chục triệu kWh điện và giảm phát thải trên 20 nghìn tấn khí CO2. Chúng tôi đã và đang liên kết hợp tác với các công ty năng lượng đối tác quốc tế để triển khai kinh doanh thuê mái lắp đặt điện mặt trời và cung cấp năng lượng sạch cho các nhà máy tại các khu công nghiệp trên toàn quốc", ông Tuân nói.
Ông Phạm Thế Tuân cũng chia sẻ, ngay trong các nhà máy của mình, tập đoàn cũng đã đầu tư và lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại hệ thống các nhà máy của Sơn Hà từ Bắc vào Nam, mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: tiết giảm tiền điện hàng tháng, tạo lợi thế để xuất khẩu các sản phẩm gia dụng, ống inox vào thị trường các nước phát triển Mỹ, châu Âu…
Ngoài ra, tại Khu công nghiệp SHI IP Tam Dương do Sơn Hà làm chủ đầu tư, tập đoàn cũng sẽ tích hợp hệ thống điện mặt trời áp mái Freesolar vào hạ tầng các nhà máy trong khu công nghiệp, giúp biến các mái nhà xưởng thành các trạm phát điện dựa vào nguồn năng lượng mặt trời. Điều này góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, hướng tới xu hướng phát triển môi trường sản xuất xanh, sạch.
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 – Thân Đức Việt chia sẻ, một vấn đề khó khăn của đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu "xanh hóa" trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải… Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế, nhưng cũng lại là rào cản lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp vì phải dành khoản đầu tư lớn cho máy móc, công nghệ và hạ tầng cũng như cho nguồn năng lượng mới.
Trong thời gian qua, May 10 đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tái tạo sau khi nhận thấy tiềm năng và những lợi ích to lớn của điện mặt trời. Tổng Công ty May 10 đã quyết định hợp tác cùng chủ đầu tư GreenYellow Việt Nam để triển khai dự án điện mặt trời, địa điểm đầu tiên triển khai là nhà xưởng xuất khẩu may Bỉm Sơn - Thanh Hóa.
"Với việc triển khai dự án điện năng lượng mặt trời kết hợp với nhiều hoạt động xanh đã được triển khai, May 10 mong muốn xây dựng chuỗi "nhà máy xanh" chuẩn của May 10, thực hiện những cam kết với Chính phủ Việt Nam về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch như than đá… giảm khí thải carbon và phát triển bền vững. Ngoài ra, May 10 cũng hướng đến sử dụng nguyên liệu xanh, có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để sau khi sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân huỷ. Đó chính là mục tiêu May 10 đang tập trung triển khai", ông Thân Đức Việt nói.
Băn khoăn chờ chính sách
Chia sẻ về viêc đầu tư vào năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất, ông Thân Đức Việt cho biết, sản lượng tiêu thụ của May 10 chiếm đến 90% là xuất khẩu, nên việc có chứng chỉ xanh trong sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo là bắt buộc. Công ty đang có kế hoạch tiếp tục lắp đặt hệ thống điện mặt trời tự dùng cho nhà máy tại Quảng Bình, nhưng cần có chính sách rõ ràng hơn, các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp triển khai như về chi phí lắp đặt, vốn, giảm thuế, phí và thông thoáng hơn về thủ tục.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Thế Tuân, Giám đốc Điều hành Công ty Sơn Hà Free Solar cho hay, với doanh nghiệp, chúng tôi rất cần các cơ chế chính sách rõ ràng hơn từ Bộ Công Thương và thông suốt đến các địa phương có tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời. Khi các chính sách rõ ràng sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào Việt Nam, không lo nghẽn dòng tiền.
Theo đại diện của Bộ Công Thương, các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ được xây dựng theo lộ trình, bám sát vào Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch điện VIII); trong đó, quyết định nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Vì vậy cần có chính sách ưu tiên, đột phá thúc đẩy nguồn điện để phát triển không giới hạn công suất, giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.
Bộ Công Thương cũng đã có đề xuất gửi Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Để khuyến khích, Bộ Công Thương đề xuất các cơ chế như được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi... Đại diện Bộ cho hay, các chính sách được Bộ Công Thương đề xuất hiện là bước đầu, tạo hành lang pháp lý để khuyến khích người dân, các cơ quan công sở lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Theo ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng, trong thời gian tới, ngành chức năng cần sớm nghiên cứu và đưa ra các cơ chế để khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho các hộ sản xuất và công nghiệp. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng cho ngành điện trong cung cấp điện, mà thúc đẩy nguồn lực xã hội vào lĩnh vực này.