Mặc dù quá trình đô thị hóa đang được triển khai tích cực tại Hà Nội, những khu chung cư, tập thể cũ có “tuổi đời” trên 30 năm vẫn tồn tại và ngày càng tạo ra nhiều trở ngại, khó khăn cho những hộ gia đình sinh sống nơi đây.
Có thể “điểm danh” các khu tập thể cũ như Giảng Võ, Thành Công, Nghĩa Tân, Ngọc Khánh… Bên cạnh những bất cập như nhà dột nát, xuống cấp, hạ tầng điện nước không ổn định, thì việc tìm được chỗ gửi xe máy hàng tháng cũng là vấn đề làm đau đầu hàng trăm nghìn hộ dân.
Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức (TTXVN), tại khu tập thể Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội), không hề có bãi để xe riêng của khu. Người dân ở đây hầu hết gửi xe tại các hộ gia đình dưới tầng 1. Không khó để bắt gặp những chiếc xe máy đặt ngổn ngang trên hè, ở sân chơi tập thể, thậm chí nhiều người dân còn tận dụng cầu thang để xe máy thường xuyên.
Bà Lê Thị Hà, trú tại nhà A11, tập thể Nghĩa Tân chia sẻ: “Tôi sống ở đây từ năm 1985, trong căn nhà tầng 1 với diện tích 35 m2. Gần 20 năm nay, tôi tận dụng khoảng sân chơi của khu tập thể và vỉa hè trước cửa nhà làm điểm trông giữ xe cho các hộ dân quanh đây”.
Mỗi xe máy gửi ở nhà bà Lê Thị Hà phải trả 200.000 đồng tiền phí trông giữ/tháng. Do diện tích chật hẹp, nên bà Hà chỉ nhận trông 10 xe máy. Gần như tháng nào cũng có người đến hỏi chỗ gửi xe, nhưng gia đình bà Hà không thể nhận thêm.
Chị Nông Hải Yến, trú tại nhà A10, tập thể Nghĩa Tân cho biết, từ năm 2005, gia đình chị tận dụng 20m2 của tầng 1 để trông giữ xe máy, xuất phát từ việc dân số của khu ngày một tăng, điều kiện kinh tế ngày một khá hơn, nên có hộ gia đình sở hữu đến 3 chiếc xe máy là bình thường. Và cũng như bà Lê Thị Hà, gia đình chị Yến hiện không thể nhận trông thêm xe nữa vì đã quá tải.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức (TTXVN), đại diện khu phố Nghĩa Tân cho biết, việc trông giữ xe trong nhà tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như cháy nổ, mùi xăng dầu… nhưng các hộ kinh doanh dịch này này phần lớn là gặp hoàn cảnh khó khăn, nên không thể ngăn việc họ kiếm thêm thu nhập.
Đại diện khu phố Nghĩa Tân cũng xác nhận tình trạng nhiều hộ dân không tìm được chỗ gửi nên đã dắt cả xe lên để ở các chiếu nghỉ của hành lang khu tập thể, dù luôn có biển cấm và cảnh báo an ninh trật tự. Thực tế, tháng nào cũng có vụ mất cắp xảy ra.
Hiểu được tình trạng trên, UBND phường Nghĩa Tân cũng đã tạo điều kiện cho Hội Cựu chiến binh của phường thành lập điểm trông giữ xe cho người dân. Tuy nhiên, do diện tích có hạn, số lượng trông giữ xe máy ở điểm này chỉ chứa được hơn 200 xe, trong khi dân số ở nơi đây đang có xu hướng ngày một tăng lên.
Cùng chung tình cảnh tương tự, ở khu tập thể Ngọc Khánh cũng bắt gặp tình trạng người dân phải đi bộ gần 1km mới tìm được chỗ gửi xe máy.
Bà Trương Thị Ngọc, trú tại 104 nhà B, khu tập thể Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, gia đình bà hiện có 2 thế hệ sinh sống và sở hữu đến 4 chiếc xe máy. “Việc tìm chỗ để xe hàng tháng thực sự là một “cuộc chiến”, và hiện giờ gia đình tôi phải đi bộ gần 1km mỗi ngày để lấy xe máy đi làm”, bà Ngọc cho hay.
Chính vì lượng cầu vượt cung quá lớn nên các dịch vụ trông xe ở những khu tập thể cũ đang có giá thu đắt đỏ. Hiện giờ, giá trông xe máy tại các khu tập thể cũ ở khu vực Bách Khoa đang ở mức trung bình hàng tháng là 250.000 đồng đối với xe số (Dream, Future…) và 300.000 đồng đối với xe tay ga (Spacy, Lead, Vision).
Mức giá này cao hơn nhiều so với quy định của Nhà nước (trung bình 40.000 đồng/tháng/xe, riêng các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại được trang bị công nghệ quản lý cao cấp thì được thu đến 100.000 đồng/tháng/xe).
Cao là vậy, nhưng người dân vẫn phải chấp nhận vì như anh Trần Văn Kiên (K7 Bách Khoa) chia sẻ: Giá cao cũng phải chịu, vì cũng chỉ có từng này suất thôi, giờ chồng tiền hơn cũng không có chỗ gửi, vì có ai nhận trông đâu…”.
Khi phóng viên trao đổi với bà Nông Hải Yến, trú tại A 10 Nghĩa Tân về việc có thể kiến nghị chính quyền địa phương tổ chức các bãi trông giữ xe tập thể dành cho với mức giá theo đúng quy định của Nhà nước, bà Yến lắc đầu: “Quỹ đất giờ làm gì còn nữa. Với lượng xe máy trên đầu người nhiều như hiện nay, chỉ có xây lại các khu tập thể, thiết kế thêm hầm để xe… may ra mới khả thi”.