Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh vẫn 'khát' lao động

Các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh vẫn đang "khát" lao động do thị trường lao động đang tồn tại nhiều nghịch lý.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự tọa đàm "Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn" do báo Người Lao Động phối hợp với trang tuyển dụng Việc Làm Tốt tổ chức vào ngày 12/9.

Khó tuyển theo nhu cầu

Chia sẻ thông tin về thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 9 tháng năm 2024, thị trường lao động có xu hướng phát triển tích cực phù hợp với xu hướng kinh tế và nhu cầu phát triển của Thành phố.

Theo đó, nhu cầu tuyển dụng tăng cao, đặc biệt ở các ngành công nghiệp, công nghệ, dịch vụ, hành chính và bất động sản. Một số doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao gồm: lĩnh vực công nghệ thông tin, kế toán - kiểm toán, marketing… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển được lao động như ý muốn, trong khi vẫn có nguời thất nghiệp, mất việc làm. Đây là một nghịch lý mà TP Hồ Chí Minh cần giải quyết để ổn định thị trường lao động trong những tháng cuối năm 2024. 

Chú thích ảnh
Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức Ngày hội việc làm để kết nối doanh nghiệp với người lao động.

Trong khi đó, theo thống kê của nền tảng tìm việc và tuyển dụng trực tuyến Việc Làm Tốt, nhu cầu tuyển dụng trong 8 tháng qua của thị trường đang tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2023, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các nhóm nghề như tài xế và kho vận; công nhân; xây dựng và bất động sản có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng cao nhất. Tuy nhiên, khảo sát tại các doanh nghiệp cho thấy, có tới 85% doanh nghiệp trả lời họ đang gặp phải tình trạng thiếu lao động và có 30% doanh nghiệp trong số đó đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khi thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế, dù doanh nghiệp có đưa ra nhiều phúc lợi tốt cho người lao động.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Hồng Liên, Trưởng Phòng nhân sự Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) cho biết, mùa dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên đã phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số lao động. Ngay khi kinh tế phục hồi, công ty có đơn hàng trở lại nên cần tuyển dụng 2.000 lao động nhưng tuyển mãi cũng chỉ được 1.000 người. Hiện công ty vẫn cần thêm 1.000 lao động nhưng vẫn chưa tuyển đủ.

Chú thích ảnh
Ngày hội việc làm tại TP Hồ Chí Minh luôn thu hút nhiều lao động trẻ tham gia tìm việc, tuy nhiên tỉ lệ kết nối việc làm giữa lao động trẻ với doanh nghiệp vẫn còn thấp.

“Nguyên nhân khó tuyển lao động là do nhu cầu người lao động đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, lương thưởng, môi trường, quan hệ với đồng nghiệp là top 3 tiêu chí lựa chọn công việc của người lao động. Trong đó, lương thưởng và các phúc lợi chiếm 56%; môi trường làm việc thoải mái, an toàn, đầy đủ thiết bị, phương tiện…; quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên tốt, được đối xử công bằng, được đề đạt, đóng góp ý kiến, hỗ trợ giúp đỡ nhau…”, bà Đặng Hồng Liên cho biết.

Theo ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, những tháng qua, mặc dù thị trường lao động đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tồn tại những mặt hạn chế như: sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu; chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động. Vì vậy, muốn thị trường lao động TP Hồ Chí Minh ổn định, rất cần sự kết nối thông suốt giữa cung - cầu, cụ thể là kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, sự kết nối giữa các đơn vị đào tạo với các doanh nghiệp...

Khó giữ chân lao động trẻ

Bà Trần Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Công ty TNNH Công nghệ Vua Thợ cho biết, thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý vừa thừa vừa thiếu, mất cân bằng cung - cầu. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động đang gặp khó. Cụ thể là khó về mặt địa lý khi việc di chuyển tại các thành phố lớn còn mất nhiều thời gian, chi phí; người lao động phổ thông mà doanh nghiệp cần thì đa số ở nông thôn; chưa kể sự cạnh tranh giữa những doanh nghiệp tuyển dụng cũng rất gay gắt nên lao động rất dễ nhảy việc; thiếu thông tin, thiếu công nghệ kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động nên việc tuyển dụng gặp khó... 

Chú thích ảnh
Công đoàn các đơn vị chung tay tổ chức các "Phiên chợ 0 đồng" để giữ chân người lao động tại TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, chia sẻ về việc khó khăn khi giữ chân nhân sự trẻ, bà Lâm Thị Ngọc Ngân, Giám đốc nhân sự Công ty CP PIZZA 4PS cho biết, đặc thù tại đơn vị thuộc ngành dịch vụ nên khi tuyển dụng chủ yếu là lao động trẻ, chưa qua đào tạo. Mỗi năm công ty cần tuyển trên 3.000 nhân sự làm việc toàn thời gian, như vậy trung bình mỗi tháng cần tuyển 300 nhân sự, nhưng không tháng nào công ty tuyển đủ lao động theo yêu cầu.

"Chưa kể, khi tuyển dụng công ty phải mất nhiều thời gian sàng lọc hồ sơ, mất thời gian đào tạo từ đầu đối với lao động trẻ… Một số vị trí dù bỏ thời gian, công sức, chi phí đào tạo nhưng khi thành nghề, người lao động lại nhảy việc nếu công ty trả lương quá thấp. Do đó, để giữ chân lao động đã được đào tạo, công ty luôn tạo ra giá trị lâu dài cho họ. Cụ thể là duy trì lương thưởng cao, động viên khích lệ, khen thưởng kịp thời cho người lao động, đảm bảo các phúc lợi đầy đủ theo quy định của pháp luật…”, bà Ngọc Ngân cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH may mặc Song Ngọc chia sẻ khó khăn khi tuyển lao động tại tọa đàm ngày 12/9.

Là công ty thuộc ngành may mặc cũng gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng, ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH may mặc Song Ngọc cho biết: "Năm 2024, chúng tôi vẫn chưa đủ lao động cho nhà máy, dù công ty vẫn đảm bảo tổng thu nhập bình quân cho người lao động khoảng 12 triệu đồng/tháng. Chưa kể, doanh nghiệp cũng không quan trọng độ tuổi, độ tuổi trung bình tại doanh nghiệp là 40 tuổi. Tuy nhiên, lao động trẻ không mặn mà với công việc trong ngành may nên rất khó tuyển lao động trẻ. Không chỉ khó tuyển, số lao động nghỉ việc thời gian qua khá lớn khiến doanh nghiệp gặp khó hơn khi tuyển lao động".

“Sở dĩ doanh nghiệp khó giữ chân lao động một phần do tiêu chí tuyển đầu vào rất dễ nên người lao động cũng dễ nghỉ việc. Khi vào làm, gặp khó khăn một chút là lao động dễ dàng nghỉ việc. Chưa kể, người lao động sau khi nghỉ việc còn có trợ cấp thất nghiệp nên họ cũng không quan tâm tìm việc ngay khi vừa nghỉ làm... Điều này dẫn đến tình trạng thị trường lao động vừa thiếu và vừa khó tuyển lao động phổ thông dù thị trường thừa lao động có tay nghề cao, trình độ cao”, ông Trần Thanh Sơn nói thêm.

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐTBXH, Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ LĐTBXH tại TP Hồ Chí Minh cho biết, trước mắt doanh nghiệp muốn nâng cao hiệu quả tuyển dụng lao động, nhất là tuyển dụng lao động trẻ, ngoài chính sách về tiền lương, doanh nghiệp phải có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ... Đặc biệt, doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động phải có sự tôn trọng và có cơ hội phát triển cho người lao động. Ngoài ra, cả nước có 1.886 cơ sở đào tạo nghề, hoàn toàn đủ điều kiện đào tạo lao động chất lượng cho doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần liên kết với các cơ sở đào tạo này để đào tạo người lao động theo yêu cầu có tay nghề cao, tránh lãnh phí khi phải đào tạo lại.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết - Ngân Tuyền/Báo Tin tức
Công đoàn Việt Nam hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do bão số 3
Công đoàn Việt Nam hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do bão số 3

Tổng Liên đoàn Lao động vừa ban hành văn bản số 20/TLĐ-QHLĐ về việc chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN