Tại tọa đàm trực tuyến "Chống hàng giả: Cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành" sáng 9/4, các cơ quan quản lý nhà nước cho rằng, công tác chống hàng giả không thể thành công nếu không có sự tham gia của chính các doanh nghiệp.
Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, muốn đấu tranh chống hàng giả thì vai trò của DN rất quan trọng, cần có sự hợp tác giữa DN với các cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, trong các cuộc họp về chống hàng giả, các DN tham gia rất ít. Vì vậy, phải tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng, gắn kết mối quan hệ giữa cơ quan thực thi với DN.
Tiêu hủy hàng giả tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN |
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng khẳng định: Chính sự lơ là, thiếu phối hợp với các cơ quan chức năng của DN cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc xử lý vấn nạn hàng giả gặp nhiều khó khăn.
Lý giải về nguyên nhân khiến các DN thờ ơ với việc chống hàng giả, ông Mai Hoà Việt, đại diện Công ty Unilever Việt Nam cho biết, nhiều DN lo lắng nếu công khai việc DN mình bị làm giả thì người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, họ cũng sợ tốn kém nếu thành lập một lực lượng chống hàng giả trong DN.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác khiến việc chống hàng giả cũng được nêu ra như: Các cơ quan thực thi pháp luật còn có cách hiểu khác nhau về hàng giả; phương tiện phục vụ công tác đấu tranh còn thiếu thốn, chưa có thiết bị giám định hàng giả, có những vụ việc phải đưa mẫu giám định sang Ý để phân biệt hàng giả, hàng thật; một số người dân vẫn tiêu dùng, sử dụng, gián tiếp tiếp tay cho hàng giả...
Theo ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường: Trong năm 2014 đã bắt giữ trên 21.000 vụ sản xuất hàng giả, xử lý trên 17.000 vụ với số tiền xử phạt khoảng 57 tỉ đồng. Còn trong quý I năm 2015, Cục đã tăng cường kiểm tra, rà soát hàng hóa, phát hiện và xử lý trên 4.000 vụ hàng giả. |
Theo ông Nguyễn Trọng Tín: "Nhân sự của Cục có khoảng 6.000 người nhưng hai thành phố lớn đã chiếm số lượng lớn nên nhiều nơi, đội QLTT chỉ có từ 3 đến 5 người, dẫn đến sơ xuất trong khâu kiểm tra, quản lý hàng hóa". Ông Tín kiến nghị: “Cần có những cải cách về thể chế, nâng địa vị pháp lý của lực lượng quản lý thị trường lên tầm cao hơn”.
Còn theo ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cần sửa đổi Nghị định 89 về nhãn hàng hóa. Chính quy định lỏng lẻo trong NĐ 89 đã dẫn đến nhiều trường hợp hàng nhập khẩu nước ngoài nhưng lại dán mác hàng Việt Nam do được thay thế nhãn mác gốc bằng nhãn mác phụ.
Nguyễn Bình - Hoàng Dương