Ngày 28/6, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức hội nghị “Công tác tuyển sinh năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022” theo hình thức trực tuyến.
Theo số liệu báo cáo tổng hợp, tính đến đầu tháng 6/2022, cả nước đã tuyển sinh được hơn 920 nghìn người (đạt khoảng 48% so với kế hoạch năm và tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp được hơn 70 nghìn người, đạt khoảng 14% kế hoạch; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác khoảng 850 nghìn người, đạt khoảng 55% kế hoạch.
Một số lĩnh vực ngành, nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng vẫn có kết quả tuyển sinh tốt như: Kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin, Kinh doanh và quản lý, Công nghệ kỹ thuật, Du lịch khách sạn, Sức khỏe...những trường mạnh có thương hiệu, kết quả tuyển sinh vẫn đảm bảo hoàn thành kế hoạch.
Để bảo đảm công tác tổ chức đào tạo, các trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến (online) đối với các nội dung, môn học, mô đun phù hợp.
Theo báo cáo, đã có trên 60% số trường trung cấp, cao đẳng áp dụng một hoặc nhiều hình thức giảng dạy trực tuyến vào các nội dung đào tạo phù hợp trong chương trình.
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh vẫn tiếp tục gặp phải những khó khăn nhất định. Nếu như tuyển sinh đại học dễ dàng với quy mô và số lượng lớn (luôn chiếm khoảng 50% số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm), phương thức tuyển sinh ngày càng đa dạng với ngưỡng đầu vào thấp, đặc biệt có những trường đại học chỉ lấy điểm đầu vào rất thấp chỉ tương đương đầu vào cao đẳng đã thu hút một lượng lớn người học vào học đại học.
Các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp FDI) tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với số lượng lớn, cả với đối tượng tốt nghiệp THCS với mức lương hấp dẫn và nhiều chính sách đãi ngộ phù hợp cùng với bối cảnh khó khăn về kinh tế của người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh đã thu hút một lực lượng lớn người trẻ sau khi rời ghế nhà trường phổ thông sẵn sàng và mong muốn tham gia ngay vào thị trường lao động mà không cần qua đào tạo.
Theo đại diện của các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khó khăn về kinh tế chung của toàn xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn việc đi học hay đi làm để có thu nhập ngay của người học. Đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều gia đình không có đủ kinh phí để cho con em đi học mặc dù có nguyện vọng được đi học nghề.
Ngoài khó khăn khách quan, có trường cũng cho rằng các nghị quyết, chính sách hỗ trợ về học phí, kinh phí cho người đi học nghề tại các cơ ở giáo dục nghề nghiệp là rất cần thiết và chính là ‘cứu cánh’ để các trường thu hút học sinh.
TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết Thời điểm hiện nay, các em học sinh Trung học Cơ sở mới thi xong tốt nghiệp lớp 9 vào lớp 10. Mặc dù các giải pháp tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp vẫn được triển khai đồng bộ và xuyên suốt từ đầu năm. Nhưng giai đoạn hiện nay là rất quan trọng, do đó, các cơ sở đẩy mạnh truyền thông về năng lực đào tạo, hỗ trợ học sinh sinh viên về kết nối, hướng nghiệp, việc làm sau đào tạo. Đẩy mạnh các hội nghị tuyển sinh, xúc tiến phối hợp kết nối học sinh sinh viên với cơ sở GDNN, doanh nghiệp…
Về cơ chế, chính sách, các cơ quan quản lý đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, do đó các cơ sở cần quán triệt nội dung để áp dụng kịp thời, linh hoạt. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý dữ liệu, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, chính xác của dữ liệu, quản lý tuyển sinh, tiếp cận đến từng học sinh sinh viên, để các em có thể nhanh chóng nắm bắt được các thông tin chính xác đến từng ngành nghề đào tạo.