Video clip: Mũ bảo hiểm 10 năm một chặng đường chông gai. Nguồn: Ủy ban ATGTQG
Nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng chia sẻ như vậy tại lễ tổng kết 10 năm thực hiện quy định này do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG), Quỹ phòng chống thương vong Châu Á (AIP) và các cơ quan liên quan tổ chức ngày 15/12 tại Hà Nội.
Hành trình “chông gai”Nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: “Đứng mũi chịu sào” để quyết liệt triển khai quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi xe gắn máy tham gia giao thông trước đây là quyết định gặp không ít chống đối của người dân, từ việc thực hiện thí điểm tại các thành phố lớn, đến triển khai trên toàn quốc và xử phạt vi phạm. Nhưng, thực tế chứng minh chủ trương này hoàn toàn đúng đắn, nhất là góp phần làm giảm hàng nghìn người chết và bị thương hàng năm do tai nạn giao thông (TNGT).
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì lễ tổng kết. |
"Từ khi bắt buộc đội MBH, tình hình ATGT đã có chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ đội MBH đã tăng từ 30% lên trên 90%. Quy định đội MBH đã ngăn ngừa 29.000 trường hợp chấn thương sọ não, tiết kiệm 31 triệu USD thu nhập đáng lẽ bị mất và giảm 2.200 người chết chỉ trong vòng một năm sau khi thực hiện quy định. Điều này cho chúng ta thấy rõ chính sách đúng đắn góp phần bảo vệ cuộc sống", TS.Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết. |
Trước năm 2007, tình hình TNGT diễn biến phức tạp, tỷ lệ người tử vong đến mức báo động, với khoảng trên 12.000 người vĩnh viễn ra đi mỗi năm, trong đó chấn thương sọ não do không đội MBH chiếm tỷ lệ cao. Tại thời điểm đó, Ủy ban ATGTQG đã mạnh dạn tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/2007 về các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT, với quy định bắt buộc đội MBH theo 2 giai đoạn. Thời gian đầu bắt buộc đội trên quốc lộ, sau đó mới đồng loạt trên tất cả các tuyến đường.
Để triển khai quy định bắt buộc đội MBH, Ủy ban ATGTQG đặt nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tuyên truyền sâu rộng tạo làn sóng dư luận đúng hướng, giúp thay đổi dần tư duy của người dân. Theo đó, đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước, lực lượng vũ trang gương mẫu đi đầu để tạo tính lan tỏa ra toàn xã hội. Cùng đó, các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp cưỡng chế với mức xử phạt tăng cao.
Thời gian đầu triển khai, Bộ GTVT với vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông lo ngại về hiệu quả của chủ trương này. Tuy nhiên, với sự đồng tình về ý thức xây dựng văn hóa giao thông của người các Bộ, ngành, địa phương và người dân, ngay trong những ngày đầu thực hiện, trên các tuyến đường cả nước đều đạt tỷ lệ gần 100% người tham gia giao thông chấp hành.
“Để duy trì được thói quen cho người dân khi đó không phải là việc đơn giản, nên Ủy ban ATGTQG xác định tập trung vào tuyên truyền, kết hợp tiếp tục xử lý cưỡng chế. Đáng mừng là từ năm 2008 đến nay, chủ trương này đã thực sự mang lại hiệu quả, với số người tử vong vì TNGT do không đội MBH giảm liên tục hàng năm”, ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết.
Từ kết quả này, đến năm 2009, Ủy ban ATGTQG phát động chương trình xây dựng “Văn hóa giao thông” đội MBH, nhằm tạo ra cuộc “cách mạng” văn hóa đội MBH. Từ đó, mỗi người dân ý thức được việc đội MBH khi tham gia giao thông là văn minh, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và tự cảm thấy xấu hổ khi mình không chấp hành đúng quy định này.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) khẳng định: Hành trình 10 năm chông gai thực hiện quy định bắt buộc đội MBH, mặc dù trải qua nhiều thách thức để thu được kết quả, thể hiện sự quyết tâm đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, cộng đồng và người dân, cũng như hiệu quả của Luật Giao thông đường bộ, góp phần bỏ qua được tư tưởng xử lý vi phạm giao thông theo kiểu phong trào và sự vào cuộc của lực lượng công an chưa quyết liệt.
“Vật bất ly thân”
Mặc dù hiện nay, việc đội MBH khi tham gia giao thông đã trở thành thói quen của người đi xe gắn máy, chiếc MBH đã trở thành “vật bất lý thân” với người dân khi ra đường, nhưng vẫn còn tồn tại bất cập như việc đội mũ kém chất lượng để đối phó với lực lượng chức năng và TNGT đối với xe gắn máy vẫn diễn biến phức tạp.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG Khuất Việt Hùng cho biết: Để khắc phục thực tế này, cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền để người dân thấy rằng khi đội MBH kém chất lượng, không đạt chuẩn, hay đội đối phó, khi xảy ra tai nạn còn nguy hiểm hơn không đội mũ. Đã có nhiều so sánh về hậu quả nặng nề của tình trạng này.
Thực tế, đội MBH là giải pháp tốt giúp giảm chấn thương va đập khi xảy ra TNGT bằng xe gắn máy. Do đó, công tác tuyên truyền cần chú trọng vào thay đổi nhận thức, thói quen đi xe gắn máy của người dân và kiềm chế gia tăng số lượng xe gắn máy, tiến tới phải hạn chế tham gia giao thông bằng loại phương tiện này và phải cấm xe gắn máy.
Theo ông Khuất Việt Hùng, không thể để mãi tình trạng tại các đô thị lớn tràn ngập xe máy, cả nước có gần 100 triệu dân, mà có đến 50 triệu xe gắn máy. Về lâu dài, để hạn chế cần có nhiều giải pháp về phát triển giao thông công cộng. Tuy nhiên, cũng không thể đợi hệ thống giao thông công cộng hoàn thiện mới hạn chế xe gắn máy sẽ rất khó thực hiện. Việc này cần làm từng bước, đi đôi với phát triển hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng, giao thông thông minh, ngay từ bây giờ, việc từng bước giảm xe máy phải làm song song.