Tham dự chương trình có ông Uông Chu Lưu- Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Trương Đình Tuyển- Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại Quốc tế; TS Nguyễn Sĩ Dũng- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội…
Chương trình “Chào Xuân 2016- Những bước chân hội nhập”. |
Năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước. Đây không chỉ là năm bản lề khép lại chặng đường kế hoạch 5 năm 2011-2015, mà còn là năm chứng kiến nhiều sự kiện có ý nghĩa trọng địa trong nền kinh tế đất nước: Gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP). Với thực tế đó, năm 2016 sẽ thực sự là “Năm hội nhập” đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Chương trình “Chào Xuân 2016- Những bước chân hội nhập” được tổ chức nhằm mục đích giới thiệu tới các doanh nhân một bức tranh toàn cảnh về hội nhập, các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang gia nhập; chia sẻ những thời cơ, thách thức với các doanh nhân, doanh nghiệp trong tiến trình Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn trong khu vực và thế giới… Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể bày tỏ những thuận lợi, khó khăn của mình khi thực hiện các Hiệp định mà Việt Nam đã cam kết, cũng như đưa ra các giải pháp để có thể hội nhập tốt nhất.
Ông Uông Chu Lưu - Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, phát biểu tại chương trình. |
Phát biểu tại chương trình, có ông Uông Chu Lưu- Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Hội nhập kinh tế Quốc tế là chủ trương đúng đắn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta ngay từ năm 1945 cho đến tận bây giờ. Sau khi giành được độc lập, đất nước được tự do, nhân dân làm chủ;Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương mở tất cả các thương cảng, sân bay của đất nước ta và sẵn sàng làm ăn kinh tế với các nhà tư bản. Nhưng do điều kiện lịch sử, hoàn cảnh khách quan của đất nước thời đó, nên chúng ta chưa thực hiện được chủ trương hội nhập kinh tế Quốc tế này. Nhưng sau khi giành được độc lập, thống nhất đất nước và nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986 trở lại đây, thì hội nhập kinh tế quốc tế là một chính sách, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước chúng ta. Trong Hiến pháp 2013, Đảng và Nhà nước cũng đã khẳng định chúng ta xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, nhưng phải tích cực hội nhập kinh tế Quốc tế và trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước khẳng định Việt Nam là đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng làm bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng kinh tế Quốc tế. Và sự nghiệp hội nhập kinh tế Quốc tế của Đảng và Nhà nước đã thu được rất nhiều hiệu quả quan trọng.
Các đại biểu phát biểu tại chương trình. |
Theo ông Uông Chu Lưu, lộ trình là tháng 2/2016, chúng ta sẽ ký kết hiệp định TPP, sau đó sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý trình Quốc hội phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực.
“Khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do mới này, cơ hội rất nhiều, nhưng thách thức, khó khăn không nhỏ. Tại Hội nghị TƯ 14 vừa rồi, TƯ có đưa ra Nghị quyết TƯ rằng tới đây sẽ phải đánh giá lại và định hướng cho Hội nhập kinh tế quốc tế tới đây. Đây cũng là thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng nhiều thách thức, khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Tôi tin tưởng rằng, để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp chúng ta trong sân chơi chung này, chúng ta phải ra biển lớn nữa, mà ra đại dương, thậm chí là các đại dương rồi, cho nên sẽ có vô vàn khó khăn, thách thức, đòi hỏi các doanh nhân; với bản lĩnh, trí tuệ, sự năng động sáng tạo của mình, sẽ vượt qua những thách thức khó khăn, giành được những thắng lợi mới trên con dường hội nhập. Đảng và Nhà nước có chủ trương, chính sách để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân vững mạnh; nhưng trách nhiệm trước hết thuộc về đội ngũ doanh nhân, không ai hơn là các doanh nghiệp phải tự lo cho bản thân mình, còn Đảng và nhà nước, nhân dân luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nhân tiếp tục trụ vững và phát triển trong thương trường ngày càng khốc liệt hơn này. Các doanh nghiệp, với tinh thần đó, sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình quản trị doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, uy tín của mình để có thể tạo ra sức cạnh tranh trong môi trường tới đây”, ông Uông Chu Lưu khẳng định.
Cũng theo ông Uông Chu Lưu, Quốc hội sẽ rà soát lại những quy định của pháp luật hiện nay, nhất là những nghị quyết của QH, Ủy ban Thường vụ QH, để đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc, các tiêu chí, điều kiện của TPP và các Hiệp định thương mại tự do mới. Đây là 1 công việc vô cùng khó khăn, cần có sự hợp tác, tham vấn ý kiến các nhà doanh nghiệp, để đảm bảo tạo ra ra một khung pháp lý vừa đảm bảo tính hội nhập với các nước, các tổ chức quốc tế; nhưng đồng thời đảm bảo khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị của Việt Nam.
Bức lưu bút “Vững bước và Thắng lợi” sẽ được đặt tại Nhà truyền thống của Quốc hội. |
Trong khuôn khổ chương trình, cũng đã diễn ra tọa đàm “Hội nhập kinh tế Quốc tế: Áp lực và cơ hội thành công”, với sự góp mặt của lãnh đạo cùng các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong cả nước, cùng chia sẻ với các doanh nhân, doanh nghiệp nội dung- cơ hội- thách thức trên con đường hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, nhằm ghi nhận những thành tựu trong thời gian qua của các doanh nghiệp, doanh nhân, đã và đang cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam, thể hiện quyết tâm tiếp tục vững bước đi lên, phát triển cùng đất nước của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan trung ương, các đại biểu tiêu biểu của giới Công thương cả nước đã cùng ký tên vào bức lưu bút “Vững bước và Thắng lợi”, thể hiện sự tâm huyết của giới Công thương Việt Nam trong công cuộc xây dựng một Việt Nam hùng cường. Bức lưu bút này sẽ được đặt tại Nhà truyền thống của Quốc hội.