Dông lốc đã thổi một tấm bạt vào trạm biến áp dân cư Thị Đội khiến 3 cầu chì trung thế hư hỏng, 3 chống sét van trung thế (thiết bị bảo vệ hệ thống điện) và dây dẫn 3 pha nối từ đường trục xuống trạm bị đứt, 1 máy biến áp ba pha 400kVA bị hư hỏng sứ cao áp phải thay thế.
Sau khi xảy ra sự cố, Điện lực Trị An đã bố trí lực lượng kiểm tra xử lý đóng điện trở lại tuyến chính. Đến gần 16 giờ cùng ngày, đơn vị đã cung cấp điện trở lại cho gần 7.300 khách hàng. Chiều tối cùng ngày, Điện lực Trị An vẫn đang cô lập trạm biến áp dân cư Thị Đội để xử lý và vẫn còn 355 khách hàng đang bị mất điện. Dự kiến, đến tối cùng ngày những hộ dân này sẽ được cấp điện trở lại.
Cùng ngày, tại thành phố Biên Hòa và các huyện lân cận như Trảng Bom, Định Quán, cơn mưa lớn bất ngờ ập xuống khiến nhiều nơi ngập nặng.
Một số tuyến đường ở nội ô thành phố Biên Hòa như Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, quốc lộ 51 đoạn qua phường Long Bình Tân… bị ngập sâu, nhiều nơi các phương tiện không thể di chuyển qua lại.
Ghi nhận, nút giao đường Đồng Khởi - Bùi Trọng Nghĩa và khu vực công viên 30/4 (thành phố Biên Hòa) bị ngập nặng nhất, nước cao hơn nửa bánh xe và chảy xiết khiến xe cộ đi lại hết sức khó khăn. Nhiều xe máy chết máy phải dắt bộ qua vùng nước ngập.
Ngoài ra, mưa lớn kèm dông lốc cũng khiến một số hàng quán tốc mái, một quán ăn đổ sập, hàng chục cây xanh ngã đổ…
Một số người dân sống ở phường Hiệp Hòa, Bình Đa và An Bình (thành phố Biên Hòa) cho biết, trong cơn mưa có xuất hiện mưa đá. Tuy nhiên, các hạt đá nhỏ và trong thời gian ngắn, không gây ảnh hưởng nhiều.
Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai cho biết, chiều cùng ngày, thành phố Biên Hòa và các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán đón cơn mưa lớn, đặc biệt lớn. Đây là trận mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay.
Theo đó, lượng mưa đo được tại Biên Hòa đạt 54mm, tại trạm Phú Hiệp (xã Gia Canh, huyện Định Quán) đạt 111mm, tại Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) đạt 109mm. Ngoài ra, các nơi khác cũng ghi nhận lượng mưa từ 13-51mm.
Đối với tình trạng mưa đá, ông Nguyễn Phước Huy cho biết, tại các trạm khí tượng không ghi nhận nhưng có thể có, bởi mưa đá diễn ra thường trong thời gian rất ngắn, chỉ vài phút và trên diện hẹp.