Ông Bạch Tuấn Kiệt, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, Chi cục đã phối hợp với Công an tỉnh, chính quyền các địa phương thành lập thêm 5 chốt kiểm dịch tạm thời, đưa tổng số trạm và chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn tỉnh là 14, góp phần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh.
Ngoài việc hỗ trợ cho người nuôi có lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi .000 đồng/kg, tỉnh Đồng Tháp còn đã duyệt kinh phí phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm 23 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tuyên truyền phòng, chống dịch và thông tin đường dây nóng lên cổng thông tin của tỉnh để nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng đối với dịch bệnh; cấp phát 24.000 tờ rơi phòng, chống dịch cho 12 Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thị, thành phố và Chi đoàn Thanh niên để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.
Ngoài ra, ngành cũng đã tổ chức tập huấn ứng phó khẩn cấp với dịch cho 24 cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh của 12/12 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Ông Kiệt cho biết thêm, cơ quan đã triển khai được 3 đợt tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh; cấp phát 16.830 lít Benkocid nhằm tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh tồn tại trong môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Trước hiện trạng vùng bị dịch uy hiếp gồm các huyện: Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, Cao Lãnh, Châu Thành, thị xã Hồng Ngự, thành phố Cao Lãnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch dịch tả lợn châu Phi đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Luật Thú y, nhanh chóng dập tắt ổ dịch trên địa bàn theo đúng quy định.