Game online và những hệ lụy

Bài 1: Méo mó nhân cách vì game

Game online đã trở thành một “căn bệnh” gây nghiện, khiến cho nhiều người quá đam mê và chìm đắm vào chúng. Đặc biệt là với giới trẻ, lứa tuổi đang dần hoàn thiện nhân cách, thì thế giới trong các trò chơi vô tình đã biến các em thành những kẻ bạo lực, côn đồ, thậm chí là hoang tưởng.

Bệnh nghiện game sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, học hành kém, sức khỏe giảm sút, thậm chí trầm cảm, loạn thần...Ảnh: Lê Phú

Chúng tôi có dịp đến thăm Trường Phổ thông nội trú IVS (Viện Nghiên cứu phát triển võ Việt Nam và Thể thao, thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), nơi đang giúp đỡ các học sinh “nghiện game” dần hòa nhập với cuộc sống. Hàng trăm em độ tuổi 11 tới 18, từ nhiều nơi khác nhau trên khắp cả nước, thậm chí có em ở nước ngoài, được gia đình gửi gắm vào đây. Vì chơi game, nhiều em đã sẵn sàng làm mọi việc như ăn cắp tiền của gia đình, bỏ nhà đi, hay đánh lại cả cha mẹ.

 

Phần nhiều các game thu hút các em đều là game hành động, với các trận chiến mang đầy màu sắc bạo lực. Chính vì vậy, sự ảnh hưởng từ thế giới ảo trong game đến tâm lý các em đã khiến tính cách các em trở nên nóng nảy, dễ cáu giận và có xu hướng bạo lực hơn. Như trường hợp của Việt T, 12 tuổi (Hà Nội), vốn là một cậu bé hiền lành, ngoan ngoãn, nhưng khi được tiếp xúc với game qua những lần thấy anh trai chơi trên máy tính, T bắt đầu bị thu hút. Ban đầu chỉ là chơi vui vài trận đấu, sau thời gian tăng lên nhiều hơn, và đến lúc em cảm thấy không thể sống mà thiếu game. T sẵn sàng bỏ học để chơi game. Những lúc hết tiền, T rình lúc bố mẹ đi vắng, cậy tủ để lấy tiền chơi.


Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của Hoàng K, 18 tuổi (Thái Nguyên) thì ít ai biết rằng trước đây em từng là một tay game có hạng, K nghiện game từ năm lớp 9 và nghiện nặng đến nỗi tưởng mình là nhân vật trong game. Em thường xuyên đòi đánh nhau, chém giết. K cũng trở nên nóng tính hơn và sẵn sàng gây sự đánh nhau với những ai làm em không vừa ý, đỉnh điểm nhất là khi K cầm cả phích nước ném vào mặt bố khi bố em cấm em lại gần máy tính. Sau lần ấy, dù thương con tới đâu nhưng bố mẹ K cũng phải gạt nước mắt đưa K vào trường nội trú IVS.


Đôi mắt em Đăng K, 16 tuổi (Đà Lạt) nhìn tôi gườm gườm, đôi tay không ngừng chuyển động như thói quen bấm bàn phím khi chơi game vẫn chưa bỏ được. Em thận trọng hỏi tôi: “Thế chị có quay phim không?”. Dường như trong thế giới của cậu bé 16 tuổi này chỉ toàn người xấu, nên em chẳng thể tin ai, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người khác sẽ hại mình. K năm nay đã học lớp 10 nhưng có thân hình gầy gò ốm yếu khiến em trông như mới chỉ là học sinh lớp 6. Cha mẹ thường xuyên đi công tác vắng nhà, vì muốn giữ K ở nhà nên đã mua rất nhiều đồ chơi công nghệ hiện đại để K chơi ở nhà. Nhưng cha mẹ em không thể ngờ rằng cách quản lý này còn đem đến hậu quả nguy hiểm hơn. K suốt ngày ở lỳ trong nhà làm bạn với cái máy tính và chủ yếu là chơi những game chiến thuật. Cứ ngoài giờ lên lớp là K lại chơi game, có thời gian chơi đến 10 tiếng/ngày. Dần dần, thế giới trong game đã trở thành thế giới thật đối với K. Và khi K bị cấm đoán chơi game thì em lúc nào cũng trong trạng thái giận dữ. K còn muốn trả thù tất cả mọi người, em nói: “Sau này em sẽ sáng chế ra một quả bom nguyên tử để nó nổ tung cả thế giới”.


Khi game trở thành thói quen và ăn sâu vào máu thì các em sẵn sàng làm tất cả để có thể tiếp tục chơi, nhiều em còn coi những người cấm đoán các em là kẻ thù dù đó là gia đình thân thiết đi chăng nữa. Thầy Nguyên, giáo viên Trường Phổ thông nội trú IVS chia sẻ với chúng tôi: “Rất nhiều phụ huynh tìm đến chúng tôi khi các em đã nghiện game một thời gian khá dài, vì vậy việc đưa các em vào môi trường mới cách ly hoàn toàn với game gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều em đã tìm cách bỏ trốn, có em còn đòi tự tử hoặc dọa dẫm sẽ trả thù gia đình nếu ra khỏi đây. Với những em như vậy giáo viên phải luôn bên cạnh động viên, chia sẻ và dần hướng các em về với suy nghĩ đúng đắn”.


Vân Ly


Bài cuối: Cần sự chung tay


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN