Vụ việc xảy ra vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 4/7, khi ông Đoàn và nhân viên trại cá tầm tá hỏa khi chỉ trong vòng 15 phút, 7 bể cá thịt và cá giống chết trắng bụng. Tổng thiệt hại hơn 11 tấn, ước tính tổn thất hàng tỉ đồng.
Chiều 5/7, gần 11 tấn cá tầm chết đã được di dời khỏi hiện trường. Tại đây chỉ còn lại một số ít cá chết trong các bể, 3 bể cá giống bị chết vẫn chưa được xử lý.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Đỗ Chí Đoàn bức xúc cho rằng: “Nguyên nhân cá trại nhà tôi chết do trại nuôi cá phía trên thả thuốc. Nhìn cá chết trắng bể nuôi, gia đình tôi chua xót lắm, từ hôm qua đến nay, luôn trong trạng thái thất thần, tiếc của”.
Anh Giàng A Sáu, nhân viên của Hợp tác xã cá nước lạnh Hoàng Liên cho biết thêm về nguyên nhân cá chết: "Sau khi phát hiện cá chết, tôi chạy lên phía trên xem xét thì thấy có hai người đang bóc những gói ni lông màu xanh trắng, bao bì có chữ Trung Quốc rồi thả xuống nước. Tôi hô lên là cá bên dưới nổi trắng bụng hết rồi đừng bóc đổ xuống nữa thì họ mới dừng lại. Sau đó, họ cầm thuốc quay đi chỉ còn lại tại chỗ các vỏ bao có chữ Trung Quốc".
Theo tìm hiểu của phóng viên, phía trên trại cá tầm của Hợp tác xã cá nước lạnh Hoàng Liên là trại cá hồi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phú Hưng Phát.
Khi sự việc xảy ra, ông Đỗ Chí Đoàn đã báo ngay với công ty này và chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, huyện Tam Đường cho hay, sau khi phát hiện sự việc, địa phương đã chỉ đạo lực lượng công an xã đến nắm bắt sự việc và lập các biên bản hiện trường. Sau khi ông Đoàn và đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phú Hưng Phát đạt được thỏa thuận đền bù, người của công ty này đã vận chuyển toàn bộ số cá chết ra khỏi hiện trường, đưa về Lào Cai để xử lý.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Quản lý trại cá hồi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phú Hưng Phát cho biết, gói bột mà nhân viên công ty này thả xuống nguồn nước chảy vào trại cá hồi của ông Đoàn là thuốc diệt nấm và thuốc vệ sinh bể. Thời điểm đó, ông không ở nhà, hai nhân viên này mới vào làm nên chưa nắm chắc kỹ thuật. Vì vậy, có thể bỏ số lượng quá nhiều vào nguồn nước chảy xuống trại cá bên dưới của ông Đoàn, khiến cá bị sốc và chết.
"Bên chúng tôi không cố ý, hay cố tình để phía trại cá của ông Đoàn lãnh hậu quả. Khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã có mặt để giải quyết vụ việc và đã thỏa thuận đền bù thỏa đáng", ông Tuấn giãi bày.
Sự việc xảy ra làm thiệt hại gần 11 tấn cá tầm gồm cá thịt và cá giống, trị giá khoảng 1,8 tỉ đồng. Hai bên thống nhất phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phú Hưng Phát đền bù cho ông Đoàn. Còn số cá chết, công ty này tự mang đi xử lý.
Điều đáng nói, số thuốc có nhãn hiệu Trung Quốc để rửa bể, trị nấm cho cá tầm mà phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phú Hưng Phát dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ, mua trôi nổi nhưng lại dùng vào chăn nuôi.
Làm việc với chính quyền xã Sơn Bình, khi phóng viên đề nghị cung cấp các biên bản liên quan đến vụ việc thì xã né tránh, không cung cấp.
Ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu cho biết, sáng 5/7, Chi cục đã xuống lấy 3 mẫu gồm: Mẫu nước, mẫu cá và mẫu bao bì để đưa đi kiểm nghiệm. Phải chờ có kết quả mới xác định được nguyên nhân cá chết.
Vụ việc sẽ được phóng viên TTXVN tiếp tục thông tin.