Sáng 6/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang và các lãnh đạo của Bộ đã trao đổi trực tuyến với người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn). Nhiều vấn đề “nóng” đã được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường giải đáp như thời hạn giao đất nông nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp…
Nông dân tiếp tục được giao đất nông nghiệp
Vấn đề người nông dân rất quan tâm hiện nay là sang năm 2013 thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm (đất trồng cây ngắn ngày và đất nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng cây lâu năm...) theo Nghị định 64 sẽ hết hạn. Để giải quyết một số vấn đề phát sinh trước và sau thời điểm kết thúc thời hạn giao đất nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình và cá nhân theo hướng cụ thể như: Khi hết thời hạn, người sử dụng đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng quy định của pháp luật đất đai trong quá trình sử dụng và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt với thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật Đất đai năm 2003.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Ảnh : Danh Lam - TTXVN |
Hộ gia đình, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành đến khi Luật Đất đai năm 2003 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Trường hợp cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận đối với đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì ghi thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật Đất đai kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện tại đã phát sinh vấn đề khi bà con nông dân giao dịch ngân hàng (như dùng sổ đỏ đất nông nghiệp để thế chấp), với thời hạn sử dụng đất còn ngắn, ngân hàng không cho vay vốn. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sẽ làm việc với ngành ngân hàng về chủ trương giao đất của Nhà nước để ngân hàng có căn cứ cho các hộ nông dân vay vốn.
Tăng cường hiệu lực pháp luật về bảo vệ môi trường
Phản ánh của người dân nhiều địa phương về việc nhiều khu công nghiệp (KCN) gây ô nhiễm không khí, đất, nước, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cho biết, vấn đề bảo vệ môi trường được Bộ rất quan tâm. Việc thanh tra kiểm tra được làm thường xuyên. Năm 2010, Bộ TN&MT đã tổ chức đợt thanh tra chuyên đề diện rộng về công tác bảo vệ môi trường tại các KCN tại 46/56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có KCN. Kết quả thanh tra đã được thông tin đến các KCN và các cơ quan quản lý địa phương để giám sát và khắc phục hậu quả vi phạm. Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ (Nghị định số 117/2009/NĐ-CP), nếu KCN chưa gây ô nhiễm đến mức độ quy định thì Bộ không được phép công khai rộng rãi.
Theo Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động của các KCN, đặc biệt là những KCN chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải; đồng thời chỉ đạo và phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào cuộc quyết liệt, yêu cầu ban quản lý KCN và chủ đầu tư các KCN thực hiện nghiêm túc các Bản cam kết đầu tư đồng bộ hạ tầng bảo vệ môi trường phù hợp với tiến độ lấp đầy; kiên quyết xử lý, thậm chí tạm dừng hoạt động đối với những KCN không tuân thủ pháp luật.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg, trong quý IV năm 2012 Bộ TN&MT sẽ có báo cáo toàn diện về rà soát, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các khu kinh tế, KCN và cụm công nghiệp.
Bộ TN&MT cũng chủ trương tăng cường hiệu lực pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Trước đây, mức xử phạt tiền tối đa là 80 triệu đồng, theo Nghị định 117 đã lên tới 500 triệu đồng nhưng các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại. Tới đây, theo dự thảo Luật Xử phạt vi phạm hành chính đang đề xuất để Chính phủ và Quốc hội xem xét, các hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt lên tới 2 tỷ đồng.
Xuân Hương